Nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Chọn tạo giống lúa thơm và lúa cao sản kháng rầy Nâu phục vụ vùng sản xuất lúa tỉnh Sóc Trăng”
Chiều ngày 30/8/2013, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Chọn tạo giống lúa thơm và lúa cao sản kháng rầy Nâu phục vụ vùng sản xuất lúa tỉnh Sóc Trăng”, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện và TS. Trần Tấn Phương làm Chủ nhiệm đề tài.
Kết quả thực hiện đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ
chuyên ngành đánh giá đạt yêu cầu và xếp loại B.
Ở tỉnh Sóc Trăng, lúa là
cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích đất trồng là 147.127ha chiếm 53,2%
diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong sản xuất lúa, bệnh vàng lùn và lùn
xoắn lá là một trong số các loại bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất
lúa
Bệnh vàng lùn do virus Rice
Grassy Stunt Virus (RGSV) gây ra; bệnh lùn xoắn lá do virus Rice Ragged Stunt
Virus (RRSV) gây ra, 02 loài virus này xâm nhập vào cây lúa và gây bệnh thông
qua môi giới là rầy Nâu.
Nhằm chọn tạo giống lúa
thơm có chất lượng cao và lúa cao sản kháng rầy Nâu để góp phần ngăn chặn nguồn
lây lan bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa
và xuất khẩu. Năm 2009, tỉnh đã đầu tư kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ
để thực hiện đề tài “Chọn tạo giống lúa thơm và lúa cao sản kháng rầy Nâu phục
vụ vùng sản xuất lúa tỉnh Sóc Trăng”.
Đơn vị chủ trì và Chủ nhiệm
đề tài đã thực hiện 9 tổ hợp lai nhiều giống lúa bố mẹ, hồi giao để chọn tạo
các dòng lúa thơm và lúa cao sản kháng rầy Nâu; đánh giá mùi thơm của các dòng lúa
theo cảm quan; sử dụng phương pháp chỉ thị phân tử để xác định alen tham gia
kiểm soát mùi thơm và kiểm tra các gen kháng rầy Nâu của các dòng lúa thơm; bố
trí thực nghiệm ngoài đồng để đánh giá khả năng kháng rầy Nâu của các dòng lúa được
chọn tạo. Sau 3 năm triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã chọn được 02 dòng
lúa thơm và 04 dòng lúa cao sản kháng rầy Nâu. 2 dòng lúa thơm được chọn đều mang
alen badh2.1 tham gia kiểm soát mùi thơm, trong đó có 01 dòng lúa thơm mang 04
gen kháng rầy Nâu.
Các dòng lúa thơm và lúa cao
sản kháng rầy Nâu được chọn tạo có thể được sử dụng để sản xuất thử nghiệm, sẽ
góp phần hạn chế nguồn lây lan của bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, góp phần mở rộng
diện tích sản xuất lúa thơm và lúa cao sản của tỉnh.