Cây hông là cây lâm nghiệp có nhiều ưu điểm: sinh trưởng nhanh, gỗ tốt, dễ trồng... Tuy nhiên, loại cây này còn khá xa lạ với người dân tỉnh Hậu Giang. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu sự thích nghi cây hông trồng bằng hột và cây cấy mô tại tỉnh Hậu Giang” do PGS.TS Trần Kim Tính, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm đã cung cấp thêm giống cây trồng lấy gỗ mới cho người dân địa phương.
Người dân đang gieo hột
cây hông để trồng.
Lâu nay, người dân trên
địa bàn tỉnh chỉ quen trồng cây bạch đàn để lấy gỗ. Mặc dù, loại cây này có tốc
độ sinh trưởng nhanh, nhưng gỗ của nó mềm khi còn tươi, cứng khi bị khô, dễ
cong vênh và nứt. Do đó, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ cũng gặp nhiều trở
ngại khi chế biến các sản phẩm từ gỗ của cây bạch đàn. Còn gỗ cây hông mang
nhiều tính ưu việt, như: không cong vênh, không nứt, ít bị mối mọt tấn công,
không mùi, dễ thực hiện trong các thao tác làm thủ công mỹ nghệ, bán được giá
cao. Đây chính là những đặc tính quý mà không phải cây lâm nghiệp lấy gỗ nào
cũng có được. Vì vậy, việc trồng phổ biến loại cây hông ở địa phương là việc làm
cần thiết và rất có ý nghĩa, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân khi trồng cây
gỗ. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa giống cây lâm nghiệp ở địa phương.
Đề tài “Nghiên cứu sự
thích nghi cây hông trồng bằng hột và cây cấy mô tại tỉnh Hậu Giang” được thực
hiện trong 2 năm, từ 2010 đến 2012. Trong quá trình triển khai đề tài, nhóm tác
giả đã trồng cây hông bằng hột và cây hông cấy mô ở huyện Long Mỹ, huyện Vị
Thủy và thành phố Vị Thanh để so sánh hiệu quả kinh tế giữa hai cách trồng này.
Kết quả cho thấy, sau 15 tháng trồng và chăm sóc như nhau, tốc độ sinh trưởng
của cây hông cấy mô và cây hông trồng từ hột là không khác nhau. Do đó, người
dân địa phương có thể áp dụng hai cách trồng này khi trồng cây hông. Đặc biệt, trong
quá trình trồng cây hông, nhóm tác giả đã bố trí thí nghiệm trồng cây bạch đàn
song song để làm đối chứng. Với cùng thời gian trồng và cách chăm sóc như nhau,
nhưng cây hông có tốc độ phát triển nhanh hơn gấp 4 lần so với cây bạch đàn, do
đó mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, cây hông
hoàn toàn thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở Hậu Giang. Do đó, người dân địa
phương có thể gắn bó với loại cây lâm nghiệp có giá trị này.
Phát biểu tại Hội đồng
nghiệm thu đề tài, TS. Trần Thị Ngọc Sơn, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đánh
giá, nhóm tác giả đã mạnh dạn nghiên cứu về loại cây mới - cây hông. Đây là
loại cây lâm nghiệp có nhiều ưu điểm nổi trội hơn hẳn so với loại cây được
trồng truyền thống bấy lâu nay ở địa phương - cây bạch đàn. Khi thực hiện đề
tài, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu trong phòng và bên ngoài để
tìm hiểu mức độ thích nghi của cây hông trong điều kiện đất đai, thời tiết ở
Hậu Giang. Do đó, kết quả thu được của đề tài có độ tin cậy và chính xác cao.
Ông Phạm Hoài An, Giám đốc
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang cho rằng, cây hông là cây
trồng mới có tiềm năng phát triển mạnh. Qua nghiên cứu cho thấy, cây hông có
thể sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng đất phèn của tỉnh Hậu Giang. Tuy
nhiên, nhược điểm của loại cây này là không chịu được nước ngập. Do đó, tùy
theo điều kiện của từng nơi mà bà con lựa chọn cây trồng cho phù hợp, tránh gây
ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của gia đình. Theo đánh giá, đây là đề tài mới
được nghiên cứu ở Hậu Giang thuộc lĩnh vực cây lâm nghiệp có giá trị cao. Kết
quả nghiên cứu của đề tài sẽ làm cơ sở khoa học cho những nghiên cứu về sau.
Đặc biệt, sản phẩm của đề tài đã được kiểm chứng trong điều kiện thực tế tại địa
phương, nên đề tài có thể nhân rộng trong toàn tỉnh.
Cây hông là loại cây lâm nghiệp, thuộc
loại cây gỗ lớn có lá rộng. Cây sinh trưởng nhanh, tán lá thưa, lá dễ phân
giải nên có tác dụng cải tạo đất tốt. Đặc biệt, gỗ hông được dùng trong nhiều
lĩnh vực kinh tế và đời sống như: làm đồ gia dụng, trang trí nội thất, du
thuyền, nhạc cụ… |