Đo lường hiệu quả đầu ra cho các ao nuôi cá tra ĐBSCL
Trong những năm gần đây, cá Tra đã trở thành một trong những đối tượng nuôi chủ yếu của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự phát triển nghề nuôi cá Tra thương phẩm tại ĐBSCL cho thấy rằng điều quan trọng là phải nhìn vào hiệu quả của quá trình sản xuất, nhằm tìm kiếm giải pháp tăng đầu ra hơn nữa dựa trên các yếu tố đầu vào có sẵn, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển nuôi.
Nghiên cứu do tác giả Đặng Hoàng Xuân Huy,
Trường Đại học Nhà Trang thực hiện nhằm đo lường hiệu quả đầu ra của nghề nuôi
cá Tra ở ĐBSCL để đề xuất nhà quản lý và người nuôi tăng cường giải pháp kỹ
thuật và quản lý ao nuôi đạt hiệu quả.
Nghiên cứu phân tích hiệu quả kỹ thuật cho các
ao nuôi cá Tra thương phẩm tại ĐBSCL bằng phương pháp phân tích mảng dữ liệu
theo mô hình tối đa hóa đầu ra. Theo phương pháp phân tích mảng dữ liệu tối đa
hóa đầu ra trong trường hợp quy mô không ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, chỉ có
9,47% số ao nuôi cá Tra đạt hiệu quả kỹ thuật, hệ số hiệu quả trung bình là
0.57, mức cần tăng năng suất trung bình là 88,54% so với mức hiện tại; trong
trường hợp qui mô ảnh hưởng đến kết quả sản xuất chỉ có 19,47% số ao nuôi cá
Tra đạt hiệu quả kỹ thuật, hệ số hiệu quả trung bình là 0,7, mức cần tăng năng
suất trung bình là 47,9% so với mức hiện tại, trong trường hợp hiệu quả qui mô
có 13,16% số ao nuôi cá Tra đạt hiệu quả qui mô, hệ số hiệu quả trung bình là
0,82. Các ao nuôi cá Tra chưa đạt hiệu quả một phần là do quản lý kém, phần còn
lại là do trình độ công nghệ.
Đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà
nước thay đổi chính sách quản lý cũng như hỗ trợ người nuôi trong thiết kế, tổ
chức, chuyển giao công nghệ và phương pháp sản xuất để đạt hiệu quả.
TC Nghề cá sông Cửu Long, Số 1 (7/2013)