SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc trưng di truyền của chủng IHHNV phân lập tôm nuôi ở ĐBSCL

[18/11/2013 22:01]

Bệnh do virus là vấn đề rất nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp nuôi tôm trên toàn cầu. Hàng loạt các dịch bệnh bùng phát đã gây ra thiệt hại kinh tế đến người nuôi tôm. Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô do virus có tên infectious hypodermal and hemotopoietic necrosis virus (IHHNV) là một trong số bệnh nguy hiểm trên tôm càng xanh. Khi mắc bệnh này, tôm càng xanh có tỷ lệ chết đến 90%. Tôm thẻ chân trắng và tôm sú nuôi khi nhiễm virus này có hiện tượng dị hình và chậm lớn.

Do vậy, nhóm tác giả Cao Thành Trung (Trung tâm Quốc gia Quan trắc Cảnh báo môi trường và Phòng ngừa Dịch bệnh Thủy sản khu vực Nam bộ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2), Nguyễn Thị Kim Mỹ ( Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh) và Phạm Hùng Vân (Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Nam Khoa) đã phân lập và giải trình tự di truyền của chủng IHHNV phân nhiễm trên tôm sú nuôi ở ĐBSCL để phát hiện bệnh này nhằm phòng ngừa cho tôm nuôi cũng như cung cấp thông tin về đặc tính di truyền của chúng cho nhà quản lý để kiểm soát sự lan rộng của IHHNV trên tôm nuôi ở Việt Nam.

Sự đa dạng di truyền của chủng IHHNV đã được xác định trên nhiều vùng địa lý khác nhau trên thế giới. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả khi phân tích và giải trình tự gen IHHNV trên những mẫu tôm sú nuôi ở ĐBSCL cho thấy, đã có sự hiện diện chủng IHHNV type A không lây bệnh, đoạn gen khuyếch đại 1100 bp của chủng này có độ tương đồng rất cao với đoạn gen chủng IHHNV type A phân lập ở Úc và Mandagasca là 100%. Đồng thời, chủng virus IHHNV type lây nhiễm cũng đã được xác định hiện diện trên tôm  sú nuôi ở vùng này. Phân tích trình tự cho thấy, chủng có ký hiệu KG phân lập tại trại tôm nuôi ở Kiên Giang và chủng ký hiệu  ST phân lập trên tôm con ở Bình Thuận nhưng nuôi ở Sóc Trăng mất đi một đoạn khoảng 79 nucleotide, tuy nhiên sự mất này  không ảnh hưởng đến các vùng đọc mở của bộ gen  để mã hóa protein của virus. Phân tích trình tự của chủng IHHNV KG có sự tương đồng rất cao các chủng IHHNV ở Hawaii, Mexico, Đài Loan C và Ecuador, độ  tương đồng bộ gen trên 95%. Và một chủng IHHNV type lây nhiễm khác có ký hiệu ST, phân tích trình tự chủng này cho thấy, có độ tương đồng thấp đối với chủng có ký hiệu KG và chủng IHHNV phân lập ở Hawaii, nhưng có độ tương đồng cao với chủng IHHNV phân lập ở Đài Loan A,B và Thái Lan. Trình tự bộ gen của 2 chủng KG và ST có kích thước khoảng 3824 bp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tôm sú nuôi ở ĐBSCL có sự hiện diện 2 chủng IHHNV type lây nhiễm và chủng IHHNV type A không lây nhiễm.

TC Nghề cá sông Cửu Long, Số 1 (7/2013)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ