Ảnh hưởng của beta-glucan đến chỉ số thực bào và khả năng kháng bệnh ở cá mú chấm cam Epinephelus coioides
Cá mú chấm cam Epinephelus (coioides) là một trong những loài cá mú có giá trị dinh dưỡng cao, lớn nhanh nên được nuôi rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam.
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị
Thanh Thùy, Nguyễn Thị Thoa (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III), Nguyễn Hữu
Dũng (Đại học Nha Trang) và Heidrun I.Wergeland (Đại học Bergen, Nauy) thực
hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của b-glucans qua con đường bổ
sung vào thức ăn đến chỉ số thực bào và khả năng kháng bệnh do vi khuẩn
V.parahaemolyticus gây ra trên cá mú chấm cam.
Cá mú giống được mua từ cơ sở sản xuất
giống tư nhân tại Nha Trang và đưa về trại thí nghiệm nuôi thuần dưỡng 2 tháng
trước khi thí nghiệm. chọn lọc 240 con cá khỏe mạnh có khối lượng và chiều dài
thân trung bình lần lượt là 186,8±3,9 g và 22,5±0,2 cm, chia đều vào 8 bể composit thể tích 500 lít/bể chứa
nước biển tự nhiên đã qua xử lý bằng tia UV, nước chảy ra vào, sục khí liên tục,
nhiệt độ dao động từ 28-29oC.
Thí nghiệm gồm 3 nghiệm thức (G500,
G1000, G2000) cho ăn có bổ sung b-glucans tương ứng với 3 nồng độ là 500, 1000 và 2000
ppm và 1 nghiệm thức đối chứng, thí nghiệm lặp lại 2 lần.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau 2 tuần
cho ăn b-glucans
với các nồng độ 500, 1000 và 2000 ppm chỉ số thực bào của tế bào bạch cầu mô thận
cá mú chấm cam tăng cao ở nhóm cá thí nghiệm với giá trị lần lượt là 16%, 26%
và 20,7% so với nhóm đối chứng là 13,3% (P<0,05). Đồng thời, khả năng kháng
bệnh ở cá mú khi cảm nhiễm vi khuẩn Virbo parahaemolyticus (V3) cũng cũng cho
thấy tỉ lệ chết tích lũy ở nhóm cá thí nghiệm (20,8%-29,2%) thấp hơn so với
nhóm đối chứng (70,8%). Tuy nhiên, sau khi ngừng cho ăn b-glucans 15 ngày, các chỉ
tiêu này đều không có sự khác biệt giữa nhóm cá thí nghiệm và đối chứng.
Tạp chí NN&PTNT - kỳ 1-tháng 12/2012