SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vòng bi cổ xe máy-Upsidedown và ước mơ của người thợ

[24/11/2013 10:13]

“Mục tiêu của tôi khi cho ra đời sản phẩm này là để người dân mình có cơ hội dùng sản phẩm có giá bằng 1/3 giá các sản phẩm cùng loại, chứ không phải là để sang nhượng lại sáng chế mình”.

7.jpg

Vòng bi cổ xe máy-Upsidedown do anh Sơn chế tạo có độ bền gấp 3 lần so với các sản phẩm cùng loại. Ảnh VGP/Thanh Thủy

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Vĩnh Sơn, tác giả của sáng chế “Vòng bi cổ xe máy-Upsidedown” - sản phẩm đoạt giải ba Cuộc thi Sáng chế năm 2013 do Bộ KHCN tổ chức.

Đột phá và độc đáo

Vòng bi cổ xe máy-Upsidedown thuyết phục được Ban Giám khảo, gồm các chuyên gia của Bộ KHCN, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam không chỉ vì tính ứng dụng cao, khả năng tiết kiệm chi phí, sự thuận lợi và tuổi thọ của sản phẩm, mà còn ở tính đột phá đặc biệt.

Ông Lê Trần Trường An, Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, thành viên của Ban Giám khảo, cho biết sáng chế của anh Sơn được các chuyên gia nước ngoài rất thích, vì nó là sản phẩm của một người thợ sữa chữa xe máy nhưng lại có những bước đột phá cao, khắc phục được hạn chế của linh kiện xe gắn máy, trong khi rất nhiều hãng xe gắn máy đang kinh doanh tại Việt Nam chưa tìm ra hạn chế này.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề sửa chữa, thay thế phụ tùng xe gắn máy, anh Sơn nhận thấy một điều, tất cả các nắp tráng bi của các hãng xe máy hiện đang có tại Việt Nam, trong quá trình vận chuyển, bẻ lái sẽ mòn theo một phương chạy (mòn cục bộ). Khi phụ tùng đã bị mòn, để tiếp tục sử dụng xe, bắt buộc phải thay thế phụ tùng mới.

Việc thay thế này không chỉ làm tốn chi phí, giảm chất lượng vận chuyển, giảm tốc độ của xe, mà nếu không phát hiện sớm thì khi chạy sẽ làm xe rung mạnh ở cổ tay người lái. Do độ rung nên người điều khiển phải giữ chặt tay lái, từ đó dễ gây đau khớp tay, nhất là đối với người lớn tuổi. Tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe cho người điều khiển xe.

Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, anh Sơn nhận thấy, do cấu tạo của vòng bi cổ tay lái của các hãng xe máy đều có 2 vòng bạc đạn (trong và ngoài) và một vòng bi ở giữa, khi lắp đặt phải cố định, gắn chặt vào trục của cổ lái, nên dễ dẫn tới mòn do ma sát. Từ phát hiện này, anh quyết tâm phải tìm ra giải pháp để khắc phục hạn chế này.

Thế rồi sản phẩm “Made in Nguyễn Vĩnh Sơn” đã ra đời và khắc phục được hạn chế trên bằng cách gắn liền 2 vòng trong và ngoài bạc đạn lồng vào nhau, đưa lực chịu vào nắp tráng bi xuống dưới cùng (Upsidedown). Điểm đột phá và khác biệt của sản phẩm này chính là ở chỗ nắp tráng dù được lắp chặt vào trục, nhưng khi di chuyển vẫn xoay tròn quanh trục cổ tay lái, vì vậy, khi xe chạy hay bẻ lái, nắp tráng bi vẫn quay đều, từ đó vòng bi sẽ mòn đều, giảm lực ma sát và tăng tuổi thọ sử dụng của vòng bi lên đến 2-3 lần so với sản phẩm của thiết kế hiện có.

Theo ông Trường An, sản phẩm của anh Sơn còn đặc biệt ở chỗ, nó được bắt nguồn từ thực tế, chứ không theo một công thức có sẵn. Và sản phẩm ấy mang lại giá trị thiết thực, làm giảm giá thành, độ bền lại rất cao.

8.jpg

Vòng bi cổ xe máy-Upsidedown đoạt giải ba Cuộc thi Sáng chế 2013. Ảnh VGP/Thanh Thủy

Lợi ích kinh tế

Khi sử dụng Vòng bi cổ xe máy-Upsidedown mới, nếu đã bị mòn có thể gia công lại để sử dụng tiếp, do độ mòn đều giữa các vòng bạc đạn và vòng bi nên không ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm khi sử dụng. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng giảm bớt chi phí, mà việc sử dụng các sản phẩm tái chế còn giúp bảo vệ môi trường, anh Sơn chia sẻ.

Vòng bi cổ xe máy-Upsidedown do cơ sở của anh Sơn sản xuất giá thành chỉ bằng 1/3-1/4 giá thành của các loại khác trên thị trường, mà độ bền lại cao gấp 2-3 lần sản phẩm hiện có. Không những thế, cơ sở ống nhún Hồng Phát do anh Sơn làm chủ (đường Nguyễn Thái Tổ, Quận 10, TPHCM) còn thực hiện chế độ bảo hành 3 năm cho khách hàng khi mua vòng bi của cơ sở.

Và 4 năm qua, khi 15.000 sản phẩm Vòng bi cổ xe máy-Upsidedown được bán ra thị trường, chưa có khách hàng nào đến để bảo hành, vì độ bền của sản phẩm này có thể bằng với tuổi thọ của một xe gắn máy, anh Sơn cho biết.

Anh Lê Công Hưng, chủ một cửa hàng tiện ích ở quận Tân Phú, TPHCM cho biết, 30 xe gắn máy của cửa hàng anh đều sử dụng sản phẩm Vòng bi cổ xe máy-Upsidedown của cơ sở Hồng Phát và thấy rõ tính kinh tế của sản phẩm này: Thay vì phải bỏ ra từ 200.000-250.000 đồng/vòng bi cổ xe của hãng xe khác, thì nay với Vòng bi cổ xe-Upsidedown, anh Hưng chỉ phải chi có 50.000 đồng/bộ. Và sau 5 năm thay thế, tất cả xe của anh vẫn chạy tốt.

Vòng bi cổ xe máy-Upsidedown đã có Bằng Sở hữu trí tuệ và Công bố sáng chế. Hiện nay, anh Sơn đang tiến hành các thủ tục để đăng ký độc quyền sản phẩm.

Tuy nhiên, do năng lực quản trị cũng như nguồn vốn chưa có, nên hiện tại anh Sơn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển rộng sáng chế này để phát huy hết tính ứng dụng cao và lợi ích kinh tế của sản phẩm.

“Tôi muốn phát triển sáng chế của mình, nhân rộng thành một chuỗi cơ sở chuyên cung cấp vòng bi mang thương hiệu Vĩnh Sơn, hoặc có thể mở rộng sản xuất để cung cấp phụ tùng, linh kiện cho các hãng xe máy hiện nay tại Việt Nam và tiến tới xuất khẩu ra khu vực và trên thế giới”, anh Sơn tâm sự.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ