Điều tra, khảo sát sự thay đổi mô hình canh tác theo khả năng thích ứng của người dân tại tỉnh Bạc Liêu
Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Đặc biệt những vùng ven biển thì xảy ra các mâu thuẫn giữa các mục tiêu khai thác và sử dụng tài nguyên với các yếu tố như nhiễm phèn, nhiễm mặn, chất lượng nước và môi trường nước; đây là những vấn đề khó khăn giữa các mục đích sử dụng đất đai.
Ảnh minh họa. Nguồn: http://www.panoramio.com
Đề tài nghiên cứu do nhóm
tác giả Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên
nhiên, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu thuộc trường Đại học Cần Thơ đồng thực
hiện, và được đăng trên tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nhóm tác giả sử dụng
phương pháp PRA và SWOT để phân tích hệ sinh thái là các mô hình canh tác chính
tại các vùng sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu để đánh giá sự thay đổi hiện
trạng và các nguyên nhân tác động đến sự thay đổi, giải pháp ứng phó của người
dân.
Kết quả nghiên cứu cho
thấy, hệ sinh thái nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu được chia thành 3 tiểu vùng (ngọt,
lợ và mặn). Qua quá trình chuyển đổi của các mô hình sản xuất, theo người dân,
các nguyên nhân chủ yếu là: hiệu quả kinh tế cao, sản xuất tự phát theo những
người dân lân cận, các công trình thủy lợi được cải thiện và nâng cấp, sự thay
đổi điều kiện tự nhiên, các mô hình sản xuất trước đây không còn phù hợp và sự
xuất hiện của giống cây trồng và vật nuôi mới có hiệu quả. Với sự thay đổi của
điều kiện tự nhiên người dân đã dần thích ứng để phát triển sinh kế, vì vậy,
công tác hỗ trợ và nâng cao nhận thức của người dân về tính bền vững trong sản
xuất cần phải được quan tâm. Kết quả nghiên cứu là bước đầu đánh giá tổng quan
về sự thay đổi sử dụng đất để từ đó có định hướng tốt hơn cho sử dụng đất đai
bền vững vùng ven biển.