Ảnh hưởng mặn đến khả năng nhiễm bệnh đạo ôn trên lúa và hiệu quả của một số loại thuốc hóa học đối với bệnh đạo ôn trong điều kiện này
Bệnh đạo ôn (còn gọi là bệnh cháy lá) do nấm Pyricularla grisea gây ra, là một bệnh gây hại phổ biến trên lúa và có lịch sử lâu đời (Lê Lương Tề, 2007). Bệnh xuất hiện chủ yếu trên lá, đốt thân, cổ lá, cổ bông và hạt, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và sản lượng lúa. Bệnh nặng sẽ làm mất năng suất nếu bà con nông dân không phát hiện sớm và phòng trị kịp thời. Bệnh thường gây hại nặng khi trồng giống lúa mẫn cảm, trong điều kiện có ẩm độ không khí cao và lúa được cung cấp dinh dưỡng không cân đối (bón thừa đạm). Do đó, trong điều kiện lúa kém phát triển do ảnh hưởng của xâm nhập mặn thì bệnh đạo ôn sẽ gây hại nặng hơn hay không cũng là một điều cần tìm hiểu.
Thí nghiệm về sự ảnh hưởng của việc xử lý đất
mặn khi trồng lúa đến khả năng nhiễm bệnh đạo ôn cùng với hiệu quả của một số
loại thuốc trừ bệnh trong điều kiện này được thực hiện tại trường Đại học Cửu
Long trong điều kiện nhà lưới từ tháng 12/2012 đến tháng 6/2012.
Kết quả ghi nhận ở 4 nồng độ mặn thì cả 5 giống
lúa OM 1490, OM 4900, IR 50404, OM 6162 và OM 5464 đều bị nhiễm bệnh đạo ôn.
Trong đó, giống lúa IR 50404 bị nhiễm bệnh nặng nhất, kế tiếp OM 1490 và OM
6162 nhiễm bệnh trung bình, OM 4900 và OM 5464 nhiễm bệnh thấp. Đồng thời, sự
nhiễm mặn của cây lúa chưa thể hiện rõ ảnh hưởng đến mức độ nhiễm bệnh đạo ôn.
Cả 4 loại thuốc hóa học thử nghiệm trong điều kiện nhà lưới đều thể hiện khả
năng giảm bệnh. Trong đó, thuốc Folicur 25WG và Fuan 40EC là 2 loại thuốc cho
hiệu quả giảm bệnh tốt nhất, kế tiếp là Help 250WG và cuối cùng là Map Famy
700WP. Các loại thuốc trừ bệnh cho hiệu quả tốt hơn ở nồng độ mặn 6o/oo và
8o/oo so với ở nồng độ mặn 0o/oo và 4o/oo.
Thông tin Khoa học trường ĐH Cửu Long, Số 4 (tháng 11/2013)