WTO đạt thỏa thuận thương mại lịch sử
159 quốc gia thành viên đã thông qua chủ trương đơn giản hóa các thủ tục thương mại, nhằm giúp các nước nghèo nhất thế giới dễ dàng xuất khẩu. Việc này có thể đóng góp gần 1.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu.
Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vùa đạt thỏa thuận
toàn cầu đầu tiên trong gần hai thập kỷ, nhằm đẩy mạnh giao thương trên thế
giới. Tại Bali (Indonesia), 159 quốc gia thành viên đã thông qua đơn giản hóa
các thủ tục thương mại để giúp các nước nghèo nhất thế giới dễ dàng xuất khẩu.
Giới phân tích cho biết thỏa thuận trên có thể đóng
góp gần 1.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu. Theo BBC, đây được coi là
bước đi quan trọng với WTO khi tổ chức này vẫn đang vật lộn với việc đạt được
các thỏa thuận thương mại mới. Dù vậy, thỏa thuận vẫn bị một số nhà hoạt động
chỉ trích là chưa đủ quy mô.
Trước đó, Cuba từng đe dọa phủ quyết hiệp định này, do
cho rằng nó không thể gây áp lực buộc Mỹ dỡ bỏ rào cản thương mại lên nước
mình. Ấn Độ cũng phản đối một số điều khoản có thể đe dọa chính sách trợ giá
nhằm đảm bảo lương thực cho người nghèo.
Vì thế, sau khi sửa đổi, thỏa thuận cuối cùng sẽ giảm
rào cản xuất khẩu cho các nước nghèo nhất thế giới. Các quốc gia đang phát
triển cũng được tăng quyền trợ giá để bảo đảm nguồn cung lương thực. Bộ trưởng Thương
mại Indonesia - Gita Wirjawan cho biết: "Tất cả đại diện các nước đều đồng
ý".
Tổng giám đốc WTO - Roberto Azevedo thì nhận định:
"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, WTO đạt được thỏa thuận mang tính toàn
diện như thế này". An ninh lương thực là một trong những vấn đề được tranh
cãi nhiều nhất trước khi thỏa thuận được ký kết. Đại diện từ Mỹ - ông Michael Froman
đã phải thúc giục các nước thành viên WTO bỏ qua bất đồng. "Rời Bali mà
không đạt được hiệp định nào sẽ làm giảm vị thế của WTO. Nếu việc đó xảy ra,
các nước nghèo sẽ chịu thiệt thòi lớn nhất", ông cho biết.