SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vĩnh Long: Rộng đường xuất khẩu cho Khoai lang Bình Tân

[16/12/2013 07:53]

Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ vừa ra Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho “Khoai lang Bình Tân, Vĩnh Long, Việt Nam”. Theo đó, có 21 thành viên đại diện Hội nông dân huyện cùng các đơn vị sản xuất, kinh doanh khoai lang trên địa bàn chung nhãn hiệu “Khoai lang Bình Tân, Vĩnh Long, Việt Nam”. Đây là điều kiện thuận lợi để khoai lang Bình Tân xuất khẩu theo con đường chính ngạch, sang nhiều thị trường.

Thu hoạch khoai lang tím Nhật Bản trên những cánh đồng của huyện Bình Tân

Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Bình Tân (Vĩnh Long), cho biết,  việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho khoai lang Bình Tân đã đáp ứng được niềm mong mỏi bấy lâu của bà con nông dân sản xuất khoai lang ở huyện Bình Tân, hạn chế được tình trạng bấp bênh trong sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản này.

“Phập phồng” thương lái Trung Quốc ép giá

Bình Tân, Vĩnh Long vốn được biết đến là thủ phủ khoai lang, là địa phương trồng khoai lang nhiều nhất ĐBSCL, trong đó chiếm 70% diện tích là khoai lang tím Nhật. Trước năm 2009, diện tích trồng khoai lang ở Bình Tân khoảng 5.000 ha, đến năm 2011, diện tích sản xuất tăng lên 8.500 ha. Nhiều xã trước kia trồng lúa đều chuyển sang trồng khoai lang vì lợi nhuận khá hấp dẫn. Có thời điểm, giá khoai lang tím Nhật đạt ngưỡng 1,2 triệu đồng/tạ . Với giá này, giúp nhiều nông dân chân lấm tay bùn trở thành tỷ phú chỉ sau một vụ trồng. Đến năm 2012, diện tích khoai lang tăng lên 9.800 ha. Tuy nhiên, việc ồ ạt trồng dẫn đến việc dư thừa của khoai lang, chính là “điểm yếu” để thương nhân Trung Quốc ép giá. Có thời điểm giá khoai chỉ còn khoảng 200.000 đồng/tạ, thậm chí khoai quá kích cỡ chỉ còn 60.000-70.000 đồng/tạ. Chính vì thế, đến năm 2013, diện tích trồng khoai lang ở huyện giảm, chỉ còn 9.000 ha.

Ông Bùi Văn Tám, Phó Chủ tịch xã Thành Đông, huyện Bình Tân, cho biết vụ vừa rồi, nông dân trên địa bàn đã xuống giống 560 ha khoai lang, trong đó chiếm đến 90% là khoai lang tím-loại chuyên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo ông Tám, phần lớn diện tích đất ở đây đã chuyển qua trồng khoai từ 10 năm nay. Chỉ đến khi khoai lang rớt giá thê thảm, từ 1,2 triệu đồng/tạ xuống còn hơn 100 ngàn đồng/tạ, người dân mới xen vào một vụ lúa để bù lỗ cho mùa khoai thất bát và lấy vốn tái đầu tư vào khoai. Khoai lang Bình Tân dù được đánh giá cao trên thị trường, vẫn chịu sức ép khá nhiều từ phía thương lái Trung Quốc. Do đó, dù sản xuất ra nhiều nhưng nông dân vẫn phải sống trong cảnh bấp bênh.

Vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long có định hướng mở rộng thị trường khoai lang sang Malaysia, Singapore, Hong Kong… Tuy nhiên, do đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn an toàn, nhất là dư lượng thuốc hóa học nên lượng hàng xuất qua các thị trường này còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, do chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể nên nông dân không có nhiều lợi thế. Sản phẩm khoai lang Bình Tân còn bị nhiều nơi trộn lẫn với các loại khoai khác làm giảm uy tín, chất lượng sản phẩm.

“Giấy thông hành” cho khoai lang Bình Tân

Đã có được nhãn hiệu, cây khoai lang Bình Tân cũng có thể sẽ sản xuất theo hướng VietGap, GlobalGap để thâm nhập vào những thị trường ưa chuộng khoai lang thế giới. Tuy nhiên, cây khoai lang Bình Tân còn đối mặt dài dài với nhiều khó khăn và rất dễ nhiễm “căn bệnh” bấp bênh vốn có của nông sản ĐBSCL. Hiện nay, xuất khẩu khoai lang chủ yếu sang Trung Quốc, chưa có thị trường khác cạnh tranh, vì thế việc bị thương lái Trung Quốc thao túng, ép giá là điều dễ hiểu.  Việc có những hướng đi phù hợp để giữ gìn thương hiệu là điều rất cần thiết đối với khoai lang Bình Tân ở thời điểm này.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Tân, ở vụ khoai lang tiếp theo, sẽ cố gắng kết hợp cùng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tập huấn hướng dẫn cho bà con sản xuất,  làm sao đảm bảo an toàn cho sản phẩm, cùng với đó sẽ tuyên truyền vận động cho tất cả các đơn vị được sử dụng nhãn hiệu trên địa bàn huyện Bình Tân cùng có trách nhiệm,  đảm bảo, nâng cao uy tín thương hiệu để khoai lang Bình Tân rộng đường đi vào các nước khác, chứ không chỉ dừng lại ở thị trường Trung Quốc.

Ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành cũng khẳng định rằng, đây là cột mốc rất quan trọng cho khoai lang Bình Tân, song để phát triển, cây khoai lang Bình Tân cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về mặt khoa học, cần được quan tâm, hướng dẫn sản xuất theo hướng VietGap, GlobalGap, mới hi vọng thâm nhập vào những thị trường ưa chuộng khoai lang nhưng khá khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Ấn Độ…

Để phát huy hơn nữa lợi thế của thương hiệu, các đơn vị  có liên quan  trên địa bàn cần có ý thức giữ gìn, đảm bảo tính bền vững lâu dài cho nhãn hiệu. Bên cạnh đó, Nhà nước và ngành nông nghiệp cần hỗ trợ, hướng dẫn sát sao, nếu không khoai lang Bình Tân cũng dễ dàng “ngã ngựa” trên đường xuất khẩu giống như một số cây trồng từng được khoác nhãn hiệu chung khác.

http://baodatviet.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ