Khảo sát ảnh hưởng của các thành phần bổ sung và điều kiện xử lý đến chất lượng nước khóm-chanh dây
Đề tài do bởi nhóm nghiên cứu Nguyễn Minh Thùy, Nguyễn Phú Cường, Nguyễn Thị Mỹ Tuyền, Đinh Công Dinh (Khoa Nông nghiệp & Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ) và Nguyễn Thị Nếp (Học viên cao học Công nghệ thực phẩm & Đồ uống khóa 17)thực hiện.
Nghiên cứu nhằm
xác định các biện pháp xử lý nguyên liệu, các thành phần bổ sung và chế độ quản
lý nhiệt thích hợp cho quá trình sản xuất nước khóm; Kiểm tra sự biến đổi chất
dinh dưỡng (vitamin C) trong quá trình xử lý nhiệt bằng mô hình động học được
thực hiện như một phương pháp tiếp cận trong thiết kế, đánh giá và tối ưu hóa
quy trình sản xuất nước ép từ khóm và chanh dây.
Hoạt động sản xuất
nước khóm chanh dây được thực hiện trên cơ sở khảo sát ảnh hưởng của các yếu tố,
bao gồm: (1) xử lý dịch khóm bằng enzyme pectinase và hemicellulase ở nhiệt độ
(30÷45ºC), (2) các thành phần bổ sung: khóm (75÷78%), chanh dây (2÷5%), (3) pH
dịch quả (3,4÷ 4,4) và (4) nhiệt độ thanh trùng (90÷100ºC).
Kết quả nghiên cứu
cho thấy, thực hiện quá trình ủ bằng enzyme pectinase ở 35ºC cho hiệu suất
trích ly dịch khốm tối ưu (88,3%) so với phương pháp không xử lý (79%) với chất
lượng dịch khóm tốt. Giá trị cảm quan cao của sản phẩm đạt được khi phối chế
các tỷ lệ khóm 76,5%, chanh dây 3,5% và nước 20% tạo sản phẩm có vị chua ngọt
hài hòa, mùi thơm tốt và duy trì màu sắc đặc trưng của khóm. Hoạt động thanh
trùng được thực hiện ở nhiệt độ 95ºC với thời gian giữ nhiệt 10 phút (giá trị F
là 37 phút) đảm bảo an toàn và vệ sinh thực phẩm, cải thiện chất lượng và giá
trị cảm quan của sản phẩm. Sự biến đổi của acid ascorbic tuân theo mô hình 2
pha ở các nhiệt độ và pH khảo sát.
Tạp chí Khoa học ĐHCT, số 27b-2013