Tạo chế phẩm vi sinh có tính đối kháng với vi khuẩn gây bệnh gan - thận mủ ở cá tra nuôi (Pangasianodon hypophthalmus)
Sản lượng cá tra tăng rất nhanh từ 52.248 tấn trong năm 2000 đến 1 triệu tấn trongnăm 2007 và sản lượng hơn 1 triệu tấn được giữ ổn định từ năm 2007 đến 2011, ước tính giá trị xuất khẩu đạt 1,6 tỉ USD trong năm 2011. Sản lượng cá tra ngày càng gia tăng đi đôi với sự suy thoái môi trường đã dẫn đến bùng phát dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Phương pháp phòng và trị bệnh truyền thống đã lạm dụng sử dụng kháng sinh và hóa chất diệt khuẩn đã tạo ra những chủng vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc và tăng độc lực.
Để thay thế dần dần phương pháp phòng bệnh truyền thống, phương pháp
phòng và trị bệnh bằng liệu pháp sinh học ngày càng được ưa chuộng như vaccine,
các chất tăng cường hệ miễn dịch (immunostimulants), probiotics. Trong đó,
phương pháp trị liệu sinh học bằng vi sinh vật có lợi (probiotic) được mong đợi
và trở thành công cụ phòng ngừa, điều trị nhiều bệnh hiệu quả trong nuôi
trồng thủy sản thông qua khả năng cải thiện môi trường nước và ức chế vi sinh
gây bệnh. Đặc biệt là các vi sinh vật có lợi có khả năng phân hủy phân tử tín
hiệu (Quorum sensing) của các vi khuẩn gây bệnh nhằm làm giảm độc của chúng.
Thông qua cách tiếp cận phân lập những chủng vi khuẩn vừa có khả năng tiết ra hợp
chất đối kháng (antagonistic activity) và khả năng phân hủy phân tử tín hiệu
Quorum sensing của Edwardsiella ictaluri, đề tài “Tạo chế phẩm vi sinh có tính
đối kháng với vi khuẩn gây bệnh gan - thận mủ ở cá tra (Pangasianodon
hypophthalmus) nuôi” đã được thực hiện trong 3 năm (từ năm 2010-2012).
Kết quả phân lập được 19 chủng vi khuẩn, trong đó nhóm vi khuẩn có 3 đặc
tính (tiết enzyme ngoại bào, phân huỷ phân tử tín hiệu, đối kháng E.
ictaluri): B. subtilis B20.1, B. subtilis N4.2.2, B. polyfermenticus
B8, B. amyloliquefaciens N6.1, Bacillus subtilis N26.3, B. circulans B3, B.
thuringenesis B4; nhóm vi khuẩn có 2 đặc tính (phân huỷ phân tử tín hiệu và đối
kháng): Pseusomonas aeruginosa T114; nhóm vi khuẩn 2 đặc tính (tiết
ra enzyme ngoại bào, phân huỷ phân tử tín hiệu): Bacillus cereusN10.2, Bacillus
pumilus N19.2, Bacillus flexus B4.2.2; nhóm vi khuẩn 1 đặc tính (đối kháng):
Weisella paramesenteroides LA111, Lactobacillus plantarum LA108, Pediococcus
pentosaceus LA14, Lactococcus lactis LA6.1, Pediococcus acidilactici
LA61, Weissella cibaria LA19, Lactobacillus fermentumLA72, Lactococcus
brevis LA58.
Từ 19 chủng vi khuẩn trên, tiếp tục sàng lọc được 7 chủng có khả
năng tăng cường tỉ lệ sống của cá tra kháng bệnh gan thận mủ với RPS đạt từ
17,1%-65%: B. subtilis N26.3 (RPS 51,4%), B. amyloliquefaciens N6.1 (RPS
34,3%), P. acidilactici LA61 (RPS 25,0%), B. circulans B3 (RPS: 65%), B. sereus
N10.2 (RPS: 38%), B. pumilus N19.2 (RPS: 33%), B. flexus B4.2.2 (RPS: 25%). Từ
7 chủng trên tiếp tục tổ hợp tạo 10 hỗn hợp: Thu được hỗn hợp vi khuẩn gồm 3 chủng
B. circulans B3, B. subtilis N26.3 và P. acidilactici LA61 có khả năng bảo
vệ cá tra kháng bệnh gan thận mủ với RPS đạt 51,7% khi cho cá tra ăn thức ăn bổ
sung hỗn hợp ở mật độ 1x107 cfu/g trong thời gian 28 ngày, cho ăn liên tục.
Kết quả khảo sát qui trình sử dụng trong điều kiện pilot của hỗn hợp vi
khuẩn gồm 3 chủng Bacillus circulans B3, Bacillus subtilis N26.3 và Pediococcus
acidilactici LA61 cho thấy, hỗn hợp có khả năng bảo vệ cá tra kháng bệnh
gan thận mủ với RPS đạt 60,6%khi cho cá tra ăn thức ăn bổ sung hỗn hợp ở mật độ
1x106 cfu/g trong thời gian 28 ngày và cho ăn liên tục. Kết quả thử nghiệm sản
phẩm cho ao ương cá tra cho thấy, sản phẩm probiotic áp dụng cho giai đoạn ương
cá tra có tác dụng tăng tỉ lệ sống tăng gấp 2,9 lần so với đối chứng, hệ số FCR
giảm 0,8 lần so với đối chứng, giá thành sản xuất cho 1 kg cá giảm 0,74 lần và
tần suất xuất hiện bệnh nhiễm khuẩn thấp hơn so với đối chứng. Sản phẩm
probiotic đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường. Tóm lại, sản phẩm
Pangi-Enresis (Bacillus circulans B3, Bacillus subtilis N26.3 và Pediococcus acidilactici LA61)
bước đầu thử nghiệm thành công trong sản xuất giống cá tra có khả năng làm giảm
bệnh gây ra bởi vi khuẩn E. ictaluri. Tuy nhiên cần có những nghiên cứu bổ sung
nâng cấp sản phẩm có các chủng vi khuẩn có khả năng kháng nhiều loài vi khuẩn
gây bệnh.
TC nghề cá sông Cửu Long, năm 2013