Hoạt động TCĐLCL: Vượt qua khó khăn để phát triển
Đánh giá về những kết quả của công tác năm 2013, lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Bộ KH&CN đều cho rằng, đó là những thành tích vượt trội, đáng nể, cần được tiếp tục nhân rộng, phát huy trong năm 2014 và các năm tiếp theo.
Chiều ngày 24/12, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
(TCĐLCL) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ năm
2014.
Ông Ngô Quý Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho rằng,
trong bối cảnh của nền kinh tế nước ta cũng như thế giới có rất nhiều khó khăn,
toàn thể cán bộ, công nhân viên đã đoàn kết, nỗ lực không ngừng, cố gắng, mang
hết sức mình để thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ KH&CN giao cho. Tính đến nay,
các nhiệm vụ, kế hoạch và các nhiệm vụ đột xuất được giao đã thực hiện tốt và
hoàn thành theo tiến độ đề ra.
Theo ông Việt, phát huy kết quả đạt được của năm 2013, toàn
thể cán bộ, nhân viên trong Tổng cục tiếp tục thực hiện thi đua, làm tốt nhiệm
vụ công tác của mình , đóng góp hoàn thành viện vụ của Tổng cục trong năm 2014.
Nhiều kết quả nổi bật
Theo ông Trần Văn Vinh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL,
trong năm 2013, Tổng cục đã chuẩn bị, đề nghị Bộ và các cấp có thẩm quyền phê
duyệt ban hành 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Thông tư liên tịch 4
bộ, 6 Thông tư của Bộ KH&CN; 01 dự thảo Nghị định của Chính phủ, 01 dự thảo
Quyết định của Thủ tướng CP, 5 dự thảo Thông tư của Bộ KH&CN.
Trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đã tiếp nhận, thẩm
tra hồ sơ và tổ chức thẩm định dự thảo, trình công bố 1.305 TCVN, thẩm định 91
dự thảo QCVN do các Bộ, ngành biên soạn, tiếp nhận, đăng ký 54 QCVN đã
ban hành. Góp ý trên 270 dự thảo TCVN, QCVN của các Bộ, ngành;
hoàn thiện hồ sơ và thành lập lại 15 Ban, Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc
gia; Kiện toàn việc tham gia hoạt động IEC của Việt Nam, phân
công trách nhiệm, nhiệm vụ của các đơn vị liên quan, tổ chức góp ý cho gần 100
dự thảo tiêu chuẩn quốc tế IEC và các tài liệu chính sách, kỹ thuật - nghiệp vụ
khác.
Về hoạt động đo lường, Tổng cục đã trình và được Thủ tướng
Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1361/QĐ-TTg ngày 8/8/2013 phê duyệt quy
hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2020. Trình Bộ KH&CN ban
hành các Thông tư quy định về đo lường đối với chuẩn quốc gia; về đo lường đối
với phương tiện đo nhóm 2; về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
phương tiện đo, chuẩn đo lường. Hoàn thiện và trình Bộ KH&CN dự thảo thông
tư quy định về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn (tháng 9/2013) và đề xuất lùi
thời hạn sang năm 2014 để đảm bảo hài hòa với các khuyến nghị của Tổ chức Đo
lường pháp định quốc tế và các quy định của WTO/TBT; dự thảo thông tư quy định về
kiểm tra nhà nước về đo lường (tháng 10/2013) để xin thêm ý kiến của Bộ Tài chính,
Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an.
Tính đến hết năm 2013, Tổng cục cũng đã tổ chức được 88 đoàn
đánh giá tại chỗ để công nhận khả năng kiểm định. Công nhận khả năng kiểm định
cho 100 lượt tổ chức. Chứng nhận chuẩn cho 117 lượt tổ chức trong và
ngoài hệ thống TĐC. Chứng nhận kiểm định viên đo lường cho 1161 lượt cá nhân
thuộc 285 lượt đơn vị. Chỉ định kiểm định chuẩn cho 13 lượt tổ chức trong và
ngoài hệ thống TĐC. Phê duyệt 1244 mẫu phương tiện đo của 150 lượt cơ sở. Tổ
chức thành công cuộc họp lần thứ 48 của Ủy ban đo lường pháp định quốc tế
(CIML) tại Việt Nam. Theo dõi cập nhật, xử lý thông tin của các tổ chức OIML, APMLF,
ACCSQ-WG3. Đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế về đo lường với các hoạt động
như: hợp tác với các tổ chức đo lường quốc tế và khu vực: CGPM, APMP; hợp
tác song phương với các Viện đo lường quốc gia KRISS – Hàn Quốc, NIMT – Thái
Lan, Sirim - Malaysia, NPLI – Ấn Độ...
Trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Tổng
cục đã trình Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải ký
ban hành Thông tư liên tịch số 06 về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng
mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Trình Bộ KH&CN
ban hành Thông tư số 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và
quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường; Thông tư
thay thế Thông tư số 11 quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh
doanh xăng dầu.
Về hoạt động cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng
(HTQLCL) phù hợp TCVN ISO 9001:2008, Tổng cục cũng cấp mới, cấp lại và cấp mở
rộng phạm vi áp dụng 1940 giấy chứng nhận HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001:2008,
trong đó cấp mới cho 1611 cơ quan, cấp lại cho 307 cơ quan, cấp giấy chứng nhận
mở rộng phạm vi áp dụng cho 22 cơ quan.
Trong thanh kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, Tổng
cục tăng cường hoạt động và phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát
về vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau dịp tết. Tham gia 02
đoàn kiểm tra của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia kiểm tra chất lượng MBH
trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đối với đồ chơi trẻ em (ĐCTE): Tổng số cơ sở được kiểm tra:
35 cơ sở tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hòa Bình, Thanh Hóa,
Ninh Bình, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng: tổng số cơ sở vi phạm và chuyển cho cơ
quan chức năng xử lý là 05 cơ sở; tạm dừng lưu thông 27 lô ĐCTE.
Đối với việc kiểm tra chất lượng xăng dầu, Tổng cục cũng đã
phối hợp kiểm tra chất lượng xăng, dầu lưu thông trên thị trường Hà Nội, Đà
Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An. Tổng số cơ sở được kiểm tra: 164 cơ sở: Kết quả
1/86 mẫu xăng, 1/21 mẫu dầu DO 0,05%S không phù hợp với QCVN 1:2009/BKHCN.
Về mặt hàng thiết bị điện, điện tử, phối hợp và kiểm tra được
tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh, TP Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình
Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Ninh Thuận. Tổng số cơ sở được kiểm
tra: 49 cơ sở, số lô sản phẩm hàng hoá được kiểm tra: Tổng số cơ sở vi phạm và
chuyển cho cơ quan chức năng xử lý: 04 cơ sở, xử lý 03 cơ sở. Kết quả xử lý:
tạm dừng lưu thông 05 lô hàng; chuyển hồ sơ xử lý 03 cơ sở...
Đi tiên phong trong khó khăn
Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN
Trần Việt Thanh cho rằng, Tổng cục TCĐLCL là một trong những đơn vị lớn, hàng
đầu của Bộ KH&CN. Các hoạt động của Tổng cục và Cục Sở hữu trí tuệ gắn
liền, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội. Trong
năm 2013, Tổng cục đã hoàn thành và vượt kế hoạch với một khối lượng công việc
rất lớn. Những kết quả đó rất đáng trân trọng và cần tiếp tục phát huy trong
thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, 3 luật là Luật Tiêu chuẩn và
Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Đo lường, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã đi vào
cuộc sống, trở thành thế chân kiềng, tạo thế và lực cho các mảng công tác của
TCĐLCL phát triển. Các nhiệm vụ và mục tiêu liên quan đến Chương trình Quốc gia
“Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam
đến năm 2020” – Chương trình 712 qua 3 năm triển khai mới đạt được những kết
quả sơ bộ, bước đầu. Với vai trò là đầu mối, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương
thực hiện các dự án về năng suất, chất lượng, Tổng cục cần tiếp tục đẩy mạnh hơn
nữa các hoạt động, xây dựng đội ngũ chuyên gia, hỗ trợ, thông tin, tuyên
truyền, quảng bá, đào tạo …cả về TCĐLCL và KH&CN.
Nói về công tác thông tin, truyên truyền, ông Trần Văn Dư –
Tổng biên tập Tạp chí TCĐLCL, Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) cho rằng,
KH&CN và TCĐLCL là hoạt động chuyên môn sâu vì vậy rất khó trong việc triển
khai các hoạt động tuyên truyền so với các hoạt động kinh tế, chính trị, xã
hội, văn hóa. Các cấp lãnh đạo cũng đã quan tâm rất lớn đến hoạt động tuyên
truyền nhưng các đơn vị trong ngành lại chưa có sự quan tâm phù hợp nên khoảng
cách, chia xẻ, thông cảm, hiểu biết lẫn nhau giữa báo chí và các đơn vị vẫn còn
hạn chế. Từ đó, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thông tin, tuyên truyền, khó
đưa các hoạt động TCĐLCL tới với cuộc sống, cũng như các khuyến cáo, quan điểm
của các nhà chuyên môn đã không được cập nhật thường xuyên, liên tục, khiến cho
việc truyền tải thông tin tới các cơ sở sản xuất, tới xã hội không được chuẩn
xác.
“Với quyết tâm phát
triển, thời gian qua, Tạp chí TCĐLCL đã duy trì, ổn định xuất bản với nội dung
và hình thức tăng lên, trung bình phát hành tăng 20%/năm. Các chuyên đề, chuyên
san, làm sách cũng được thực hiện, góp phần đẩy mạnh các thông tin, tuyên
truyền. Năm 2012, Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) ra mắt trong
thời kỳ cực kỳ khó khăn, các báo chí lớn đã có sự đầu tư mạnh mẽ vào báo chí
điện tử; các trang mạng xã hội, các trang thông tin tổng hợp có tiềm lực kinh
tế cũng đầu tư phát triển mạnh. Thêm nữa, kinh tế hết sức khó khăn, nhiều doanh
nghiệp phải rời khỏi thị trường. Các doanh nghiệp còn tồn tại, kinh phí dành
cho truyền thông rất ít ỏi. Các tờ báo ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu,
phải gộp số, đóng cửa, nhiều báo điện tử lớn hiện nay đứng trước nguy cơ khó
duy trì hoạt động và nợ lương, nhuận bút", ông Dư cho biết.
Theo ông Dư, trước thực tế đó, Tạp chí đã chọn mô hình, nội
dung hợp lý, phân khu phù hợp với năng lực tài chính, tận dụng lợi thế TCĐLCL,
KH&CN, chất lượng sản phẩm hàng hóa mà xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, đan
xen các hoạt động TCĐLCL và KH&CN mà xã hội quan tâm để tạo sóng.
Kết quả là, đến nay VietQ.vn đã xếp hạng ở vị trí 84
theo đánh giá của google và alexa.com. Trong khi đó, các báo lớn như Lao động điện
tử cũng chỉ xếp hạng ở vị trí 146, báo Tiền phong điện tử xếp hạng ở vị chí thứ
86. Những tờ báo khác thuộc các bộ ngành quản lý như Công Thương, Hải quan…vị
trí xếp hạng còn thấp hơn nhiều, ở vị trí 1.500 – 2.000.
Vào những ngày cao điểm, VietQ.vn cũng thu hút tới
trên 300 ngàn lượt truy cập. Ngày bình thường cũng đạt trên 100 ngàn lượt truy
cập. Đây là điều mơ ước của nhiều tòa soạn báo điện tử ở Việt Nam hiện nay.
Năm 2014,
VietQ.vn đặt mục tiêu từ 300 đến 400 ngàn lượt độc giả truy cập mỗi
ngày và phấn đấu là tờ báo điện tử trong tốp 10 tờ báo điện tử có lượng độc giả
truy cập lớn nhất Việt Nam, từ đó sẽ có điều kiện để thực hiện mong muốn là tờ
báo dẫn dắt thông tin báo chí về TCCĐLCL, KHCN.