Ngập lụt do triều cưởng vùng hạ lưu sông Cửu Long năm 2012
Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Việt Hưng – Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ thực hiện, nhằm phân tích đặc điểm thủy triều trên sông chính Cửu Long để làm rõ sự ảnh hưởng của thủy triều với ngập lụt tại vùng cửa sông, nhất là ngập lụt tại các đô thị.
Lũ và ngập lụt xảy ra hàng
năm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với mức độ lớn hay nhỏ khác
nhau. Lũ là hiện tượng nước lên nhanh trong sông và khi mực nước trong sông
vượt quá cao độ của bờ sông, bờ kênh thì nước lũ sẽ chảy tràn bờ gây ngập lụt
trong đồng. Nguyên nhân gây ra lũ và ngập lụt là do lượng nước lũ từ thượng
nguồn sông Meekong đổ về vượt quá khả năng tải lũ ra biển do địa hình ĐBSCL rất
thấp và bằng phẳng. Ngoài ra, ngập lụt do triều cường dâng cao tại khu vực này
trong những năm gần đây ngày càng trở nên nghiêm trọng. Lũ và ngập lụt là nét
đặc trưng rất riêng biệt của ĐBSCL, lũ mang lại nguồn phù sa dinh dưỡng cho
đồng bằng, lũ diệt chuột bọ, làm vệ sinh đồng ruộng, lũ mang về nguồn cá tôm to
lớn, làm phong phú thêm môi trường sinh thái, bên cạnh đó lũ lụt cũng gây nhiều
khó khăn, thiệt hại đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân trong
vùng.
Nét đặc trưng của mùa lũ
năm 2012 ở ĐBSCL là vùng nội đồng và vùng đầu nguồn mực nước đỉnh lũ năm rất
thấp; ngập lụt đã không xảy ra tại đây – hoặc không đáng kể, trong khi đó tại
vùng cửa sông và tại các đô thị lại bị ngập khá nặng do ảnh hưởng của thủy
triều có đỉnh triều cường ở mức khá cao.
Dòng chảy mùa lũ năm 2012
ở ĐBSCL có sự tương phản khá rõ nét giữa dòng chảy trong sông và trong nội
đồng, giữa tình hình ngập lụt tại các vùng đô thị, vùng cửa sông với vùng nội
đồng. Theo tác giả, đặc điểm này là khá hiếm trong chuỗi số liệu nhiều năm.
Cụ thể, tại vùng cửa sông
và trên các đô thị ĐBSCL, do ảnh hưởng của thủy triều xâm nhập rất mạnh nên đã
gây ra ngập lụt với mức độ ngập sâu, diện ngập rộng, thời gian ngập lụt kéo
dài, và xảy ra vào các kỳ triều cường giữa tháng 9,10 và 11. Ảnh hưởng của ngập
lụt do triều gây ra tại vùng cửa sông Nam bộ và các đô thị ĐBSCL trong
năm 2012 là khá nghiêm trọng.
Trong đó, tại vùng Đồng Tháp Mười và
Tứ Giác Long Xuyên gần như không có lũ trong năm 2012, mực nước cao nhất các tháng đều thấp
hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm. Mực nước cao nhất năm thuộc loại rất thấp, đứng thứ
5 về mức độ lũ thấp trong chuỗi số liệu nhiều năm.
Tạp chí Khí tượng Thủy văn, tháng 3/2013