Trẻ dễ nhiễm độc vì đồ chơi chuột nhựa dẻo
Các con chuột đồ chơi nhỏ bằng đầu ngón tay cái làm bằng nhựa dẻo có độ bám dính và đàn hồi cao được bán tràn lan ở các vùng quê và được trẻ mầm non, học sinh tiểu học hết sức ưa chuộng.
Dòng sản phẩm đồ chơi này
bên cạnh dòng chữ Toys Made in China in đậm ngoài bao bì thì không có bất kỳ
thông số nào về thành phần cấu tạo, cách sử dụng; mùi nhựa hắc vô cùng khó chịu.
Chuột nhựa đồ chơi rộ lên trước và sau đợt Tết Nguyên đán vừa
qua, nó tràn ngập ở các cửa hàng tạp hóa, đồ chơi ở nhiều làng xã tại các vùng
nông thôn với cái tên gọi nôm na “chuột dính tường”. Những con chuột đồ chơi được
bày bán với mức giá khá rẻ: 2.000 đồng/túi/2 con, tương đương với mức 1.000
đồng/con chuột nhựa. Chúng được làm từ nhựa dẻo, có độ bám dính cao, trông bề
ngoài không khác gì một con chuột thật mới sinh, chủ yếu có 2 màu đen và trắng.
Những con chuột đồ chơi làm bằng nhựa dẻo này được trẻ nhỏ ưa
chuộng
Em Quỳnh Chi (học sinh lớp 2, Khoái Châu, Hưng Yên) bảo rằng
hầu như các bạn trong lớp của em đều có trong tay ít nhất một đàn chuột này, số
lượng nhiều ít tùy theo từng người nhưng bạn nào “chăn nuôi” ít thì cũng có dăm
con, người nhiều có tới vài chục con. “Chúng em mua cái này về rồi đọ nhau xem
đàn chuột của ai nhiều hơn và đẹp hơn”, Chi nói.
Chỉ vào một con chuột đã mất đuôi, em vô tư cười: “Những con
chuột mất đuôi thế này là do em nghịch mạnh nên kéo đuôi nó ra và khiến đuôi
đứt. Các con như này chỉ để nghịch thôi, tuyệt đối không mang đi đọ chuột với
đàn khác được”.
Theo một số học sinh khác, nhờ có độ bám dính cao nên con chuột
này có thể dính trên mọi vật liệu, ngoài việc đua nhau mua thật nhiều chuột để
đọ độ đông đúc với các đàn chuột khác, các em nhỏ có sở thích cầm đuôi chuột
cho đung đưa thật lâu hoặc quăng chuột lên tường nhà để có cảm giác một đàn
chuột đang di chuyển trên tường. Một số em còn dùng nó để giả vờ là chuột thật,
dọa những người không biết.
Theo quan sát của phóng viên, những con chuột này được đóng
trong túi nilon nhỏ, bên ngoài chỉ có dòng chữ duy nhất: Toys Made in China,
ngoài ra không có thêm bất kỳ thông tin vào về thành phần cấu tạo, hướng dẫn sử
dụng. Ngay cả tên gọi “chuột dính tường” cũng là do các em học sinh tự nghĩ ra
rồi gọi chứ không phải tên trên bao bì sản phẩm.
Chuột có mùi nhựa rất hắc, khó ngửi, sờ vào thấy mềm đến bèo
nhèo, không khác gì một loại kẹo dẻo hình thú. Có lẽ đó cũng là lý do khiến một
số trẻ em ít tuổi nhầm tưởng những con chuột nhựa này là kẹo dẻo dẫn đến tình
trạng cho vào miệng nhai nuốt.
Chị Thanh Huyền, phụ huynh của một em nhỏ lớp 1 tại Khoái
Châu, Hưng Yên cho biết, hôm vừa rồi, thằng cu lớn nhà chị mang đống chuột đồ
chơi này về nhà. Thấy con chơi đùa vui vẻ nên chị cũng không có ý kiến gì. Thế
nhưng một hôm, chị vô tình thấy cô con gái nhỏ chưa đầy 2 tuổi của mình đang
ngậm con chuột nhựa trong miệng nhay nhay thì chị hoảng hồn, vội chạy đến giằng
ra. “May là tôi về kịp thời nên con bé chưa kịp nuốt, muộn một chút thôi có khi
phải đưa con bé đi cấp cứu rồi. Chắc con bé tưởng nhầm đây là kẹo dẻo”, chị
chia sẻ. Cũng từ sau sự cố ngoài ý muốn đó, chị Huyền cấm tiệt cậu con trai lớn
không được chơi loại đồ chơi này ở nhà, tránh trường hợp em nhỏ gặp tai nạn do
nhai nuốt nhầm chuột đồ chơi.
Mềm, dẻo giống kẹo dẻo hình thú nên trẻ em dễ đưa những con
chuột này vào miệng nhai nuốt
Hỏi chủ nhân của một số tiệm tạp hóa về mặt hàng đồ chơi này,
PV nhận được câu trả lời rằng họ nhập đồ chơi từ các đại lý, do loại chuột nhựa
này giá rẻ và lại được trẻ em yêu thích nên nhập về bán khá nhiều. Đặc biệt sau
Tết, nhiều trẻ em có tiền lì xì nên số lượng bán ra nhiều hơn so với thời điểm
trước Tết.
Gần đây, truyền thông đã đưa ra nhiều lời cảnh báo về các
loại đồ chơi từ nhựa dẻo có nguồn gốc Trung Quốc như thú nhún, búp bê… đều chứa
dẫn chất phtalat có hàm lượng vượt mức cho phép, đe doạ sức khoẻ trẻ em. Loại
chuột nhựa này cũng làm từ nhựa dẻo, thông tin sản phẩm mù mờ, giá cả rẻ mạt,
thành phần chất cấu tạo không ghi nên khả năng sản phẩm có sử dụng các dẫn chất
phtalat là rất cao và có khả năng trẻ nhỏ khi tiếp xúc với đồ chơi sẽ bị nhiễm
độc, nguy cơ làm xáo trộn hoặc phá vỡ nội tiết. Nếu bị nhiễm các dẫn chất
phtalat, trẻ em gái còn có thể sẽ bị dậy thì sớm.
Do đó, các bậc phụ huynh cần hết sức cảnh giác khi thấy con
mình chơi loại đồ chơi không rõ thành phần cấu tạo này.