Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn bùn thải trong quá trình chế biến cá tra
Đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn bùn thải phát sinh trong quá trình chế biến cá tra”, do Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn chủ trì và kỹ sư Võ Phú Đức làm chủ nhiệm đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp nghiệm thu, đánh giá là có ý nghĩa về ứng dụng khoa học công nghệ và xử lý môi trường, được đưa vào áp dụng.
Ảnh minh họa
Hàng năm, Công ty Cổ phần
Vĩnh Hoàn chế biến số lượng lớn cá tra để xuất khẩu với công suất 550 tấn
nguyên liệu/ngày, nên thải ra môi trường lượng lớn chất thải. Từ đó Công ty đã
thực hiện đề tài xây dựng quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn bùn
thải phát sinh trong quá trình chế biến cá tra để tận dụng trong sản xuất nông
nghiệp. Mục tiêu của đề tài là tái sử dụng bùn thải để sản xuất phân hữu cơ vi
sinh, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực xử
lý nước thải của quy trình chế biến cá tra khép kín.
Để đạt các mục tiêu trên,
đề tài tập trung nghiên cứu các nội dung: phân tích và đánh giá thành phần bùn
thải phát sinh trong quá trình chế biến cá tra; xây dựng quy trình sản xuất
phân hữu cơ vi sinh từ bùn thải ở quy mô thí nghiệm và quy mô 2 tấn sản phẩm;
đánh giá hiệu lực phân hữu cơ vi sinh bón trên cây lúa và cây cải.
Công ty đã thí nghiệm sử
dụng phân hữu cơ vi sinh trên mô hình đất trồng cải và trồng lúa cho hiệu quả
kinh tế cao. Mô hình bón kết hợp phân hữu cơ vi sinh với phân hoá học giúp giảm
30% phân hoá học và tăng thêm lợi nhuận so với chỉ bón phân hoá học của nông
dân tại thời điểm thử nghiệm. Sau 2 vụ trồng rau thử nghiệm đã góp phần tăng độ
phì nhiêu cho đất.