Sở hữu trí tuệ trong TPP: Thách thức mới
Đoàn đàm phán của 12 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhóm họp từ ngày 17-22/2 tại Singapore để gỡ nút thắt giữa các bên và những khác biệt về tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Ngành công nghiệp
dược phẩm gây nhiều tranh cãi trong các phiên đàm phán TPP
Dược phẩm là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi khi đàm phán về sở hữu
trí tuệ trong TPP, trong đó có vấn đề về tăng thời hạn bảo hộ sáng chế và mở
rộng đối tượng được bảo hộ mà phía Mỹ nêu ra. Điều này không chỉ gây khó khăn
cho ngành công nghiệp dược Việt Nam
mà quan trọng hơn, giá thuốc sẽ đắt lên, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới
(WHO) cho thấy, giá thuốc đại trà ở Việt Nam đang cao hơn gấp 11,41 lần giá
thuốc trung bình trên thế giới, còn giá thuốc đặc trị cao hơn 46,58 lần, trong
khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ mới qua ngưỡng trung bình
thấp.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chia sẻ: “Có những lo ngại rằng
dự thảo của chương này sẽ là nguyên nhân làm giảm chất lượng cuộc sống, hạn chế
thu nhập của người nghèo, gia tăng khoảng cách giàu, nghèo và đặt các doanh
nghiệp Việt Nam vào thế khó do chi phí phát sinh”.
Theo TS. Võ Trí Thành - Phó viện
trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Mỹ đang dựa trên những thỏa
thuận quốc gia đạt được với phía Hàn Quốc trong Hiệp định FTA song phương để
xây dựng dự thảo về sở hữu trí tuệ trong TPP (TRIPS+). TRIPS+ đối với lĩnh vực
sáng chế, độc quyền dữ liệu cho nông hóa phẩm, chỉ dẫn địa lý sẽ kéo lùi bước tiến
của sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy, hàng triệu nông dân
Việt Nam phải dành một phần lớn chi phí sản xuất cho các loại phân bón, thuốc
bảo vệ thực vật... do vậy, tăng cường bảo hộ sáng chế đồng nghĩa với việc gia
tăng các chi phí, loại bỏ cơ hội giảm giá thành sản phẩm dẫn tới giảm thu nhập
của hơn 60% dân số Việt Nam hiện đang sống dựa vào sản xuất nông nghiệp quy mô
hộ gia đình.
Bên cạnh đó, đề xuất của phía Mỹ về
nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý cũng gây khó khăn với các cộng đồng nông thôn có thu
nhập thấp do việc sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi phụ thuộc vào sự cho
phép và trả phí cho chủ sở hữu bản quyền. Việc lưu giữ giống để sử dụng từ mùa
trước sang mùa sau cũng sẽ bị ngăn cản.
Việt Nam hiện đã và đang gặp rất nhiều
khó khăn trong việc bảo hộ sở hữu trí tuệ theo các tiêu chuẩn của TRIPS (vốn đã
ở một mức rất cao, do chính các nước phát triển đặt ra) và vì thế mọi dự định
gia tăng mức độ bảo hộ (TRIPS+) trong TPP sẽ dễ đặt nền kinh tế Việt Nam trước những
thách thức mới.