Đẩy mạnh áp dụng biện pháp công nghệ trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
Đây là chủ đề của buổi Hội thảo diễn ra ngày 28/3/2014 tại Hà Nội doThanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Công ty Cổ phần KOMTEK tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện
các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam: Thanh tra Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Bộ Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Tòa án
nhân dân tối cao, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Công an
thành phố Hà Nội và có sự tham gia của trên 50 doanh nghiệp sản xuất, kinh
doanh trong nước, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ chống hàng giả đến từ
Hồng Kông (Trung Quốc), New Zealand.
Phát biểu tại Hội thảo, các cơ quan
chức năng của Việt Nam
và các doanh nghiệp đều khẳng định tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ
trong công tác điều tra, truy xuất nguồn gốc, phát hiện hàng giả. Đại diện cơ quan
Hải quan cho rằng các hành vi sản xuất, buôn bán, nhập khẩu hàng hóa giả mạo,
xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có xu hướng gia tăng, ngày càng tinh vi,
trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cơ quan chức năng cũng đang gặp nhiều khó
khăn, trong đó có việc áp dụng công nghệ chống hàng giả. Việc chống hàng giả
không chỉ đặt lên vai các cơ quan nhà nước mà bản thân các nhà sản xuất, kinh
doanh cần phải chủ động áp dụng công nghệ chống hàng giả cho sản phẩm của mình.
Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng công nghệ
chống hàng giả trong những năm qua, ông Phạm Kinh Kha - Tổng giám đốc Công ty
cổ phần Hương Vang (Chủ sở hữu nhãn hiệu MEN’VODKA) đã cho rằng “Sử dụng tem
xác thực bằng SMS là phương án tối ưu nhất hiện nay cho hàng hóa nói chung và
mặt hàng rượu nói riêng. Mỗi chiếc tem chống hàng giả được gán 1 bộ số (PIN
number), khách hàng nhắn tin về tổng đài 1127 sẽ có tin nhắn tự động trả về xác
thực nguồn gốc hàng hóa. Ngoài bộ PIN Code, mỗi sản phẩm còn có số seri và
barcode tương ứng để khách hàng có thể đối chiếu và xác thực. MEN’VODKA là thương
hiệu rượu đầu tiên áp dụng hình thức xác thực hàng hóa bằng tin nhắn SMS”. Đại
diện nhà cung cấp biện pháp chống hàng giả Six Degrees, LLC (Công ty Konica
Minolta - trụ sở chính ở Singapore) cũng chia sẻ về phương pháp mã hóa phi toán
học, giải pháp của Nhà cung cấp này đưa ra là “Mỗi sản phẩm sẽ có một mã ID duy
nhất, mã ID chỉ được đọc một lần duy nhất. Mã vạch có thể được quét bằng máy
hoặc phần mềm trên thiết bị di động”. Công ty Anticounterfeit (New Zealand)
cũng đồng quan điểm như trên và cũng cho rằng: “Một hệ thống chống hàng giả
hiệu quả cần phải cho phép người tiêu dùng xác định được sản phẩm thật hay giả
ngay tại điểm bán hàng”.
Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu
trí tuệ đang là một vấn nạn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nó có ảnh hưởng
xấu tới môi trường đầu tư, tới sức khỏe, tính mạng, tới vật chất và tinh thần
của người dân. Do đó việc ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở
hữu trí tuệ là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Có nhiều biện pháp được đặt
ra, bên cạnh việc xây dựng các cơ chế, chính sách pháp luật, tuyên truyền, giáo
dục về việc chống hàng giả thì việc áp dụng biện pháp công nghệ chống hàng giả
sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu trong hiện tại và tương lai.
Hội thảo “Áp dụng biện pháp công nghệ
trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” chính là dịp để các cơ quan
thực thi, các doanh nghiệp sản xuất và nhà cung cấp giải pháp chống hàng giả
được bày tỏ quan điểm, chia sẻ và hợp tác về áp dụng công nghệ trong công tác
chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng và thúc đẩy
môi trường kinh doanh lành mạnh.