Bảo hộ bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh
Điện ảnh - niềm đam mê toàn cầu là chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới 26.4.2014. Chủ đề này không chỉ nhằm tôn vinh hoạt động sáng tạo của nhà làm phim mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồìng về bảo hộ quyền SHTT trong sáng tạo, khai thác và sử dụng tác phẩm điện ảnh.
Ảnh minh họa
Trong
bối cảnh nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế hiện nay, việc thực thi bảo
vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh đóng vai trò rất
quan trọng bảo đảm quyền hợp pháp của chủ sở hữu, khuyến khích đầu tư sáng tạo,
cân bằng lợi ích giữa tác giả với người khai thác sử dụng và công chúng hưởng
thụ. Mặc dù vậy, công tác bảo hộ bản quyền các tác phẩm điện ảnh, truyền hình ở
nước ta hiện nay vẫn chưa được quan tâm, chú trọng. Đây cũng là nguyên nhân làm
gia tăng vi phạm bản quyền ở nước ta.
Thực tế
cho thấy, các hình thức vi phạm chủ yếu hiện nay là in đĩa lậu, trích đoạn,
cung cấp trên Internet để thu phí hoặc quảng cáo, tự ý phát sóng mà không có sự
thỏa thuận giữa các hãng phim. Theo thống kê của Hội Sở hữu trí tuệ TP Hồ Chí
Minh, hiện cả nước có trên 180 trang mạng đăng tải phim ảnh nhưng đa phần đều
vi phạm vấn đề bản quyền, đặc biệt đối với những tác phẩm điện ảnh nước ngoài.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ không công bằng nếu nhà sản xuất phim phải đầu tư
cả năm để tạo ra tác phẩm nhưng chỉ vì quản lý chưa tốt mà mất bản quyền, tức
là mất khả năng thu hồi vốn.
Nhằm tạo
dựng môi trường nghệ thuật lành mạnh, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức bản
quyền của từng cá nhân, tổ chức; Chính phủ đã ban hành Nghị định 131/2013 quy
định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó, xác định
mức phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm bản quyền đối với tác phẩm điện ảnh có
thể lên tới 250 triệu đồng. Các tác giả, tác phẩm khi bị vi phạm bản quyền có
thể khởi kiện ra tòa án, hoặc theo con đường hành chính (gửi đơn đến Thanh tra
Bộ VH, TT và DL). Song, thực tế cũng chỉ ra rằng, mặc dù nhiều tổ chức, cá nhân
đã bị xử lý vi phạm nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền vẫn còn tiếp diễn dưới
nhiều hình thức. Vì vậy, xét trong bối cảnh vấn đề bảo hộ quyền và giải quyết
tranh chấp về SHTT còn nhiều rào cản, nước ta cũng chưa có đủ điều kiện để áp
dụng công nghệ ngăn chặn, phát hiện vi phạm bản quyền; không ít ý kiến cho
rằng, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan cần chủ động
hơn nữa trong việc tự bảo hộ quyền của chính mình.