SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng

[29/04/2014 05:29]

Việt Nam đã gia nhập Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới UPOV từ năm 2006 và cam kết sau 10 năm sẽ bảo hộ tất cả các giống và loài thực vật. Thế nhưng, mục tiêu đề ra có đạt được hay không vẫn là câu hỏi không dễ trả lời bởi đến nay mới chỉ có 90 loài được đăng ký bảo hộ. Không ít khó khăn, thách thức đặt ra cho nhà quản lý từ việc chuyển đổi nhận thức tới thực thi chính sách pháp luật về bảo hộ giống cây trồng.

Từ chuyển đổi nhận thức

Vấn đề bảo hộ quyền SHTT đối với giống cây trồng đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế từ năm 1961 nhưng phải đến cuối năm 2006, Việt Nam mới gia nhập Hiệp hội UPOV. Theo nhận định của các chuyên gia, giống cây trồng là yếu tố then chốt giúp cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, là cơ sở để xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản. Nếu một quốc gia không đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho giống cây trồng sẽ có thể mất quyền sở hữu hợp pháp đối với loại cây này. Điều quan trọng là các mặt hàng nông sản khi không đăng ký sở hữu thường gặp bất lợi về giá cũng như giảm sức cạnh tranh trên thị trường chưa kể đến việc bị nhân giống bất hợp pháp. Xuất phát từ thực tế đó, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo hộ giống cây trồng đối với mọi tổ chức, cá nhân là điều vô cùng cần thiết song đây cũng đang là thách thức đặt ra cho các nhà quản lý.

Thực tế cho thấy, nhận thức về tầm quan trọng của bảo hộ quyền SHTT đối với cây trồng còn rất hạn chế dẫn đến số lượng đơn đăng ký chưa nhiều. Cho đến nay, mới có 90 loài được bảo hộ trong khi theo cam kết gia nhập Hiệp hội UPOV, đến năm 2016, nước ta phải bảo hộ tất cả các giống cây trồng. Không ít người tỏ ra lo ngại rằng mục tiêu đề ra khó đạt được. Có nhiều nguyên nhân khiến các tổ chức, cá nhân còn thờ ơ với việc đăng ký bảo hộ giống cây trồng song có lẽ rào cản lớn nhất vẫn là câu chuyện thương mại hóa tài sản trí tuệ. Đa phần chủ sở hữu chưa thấy được lợi ích trực tiếp từ việc đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

Theo một số chuyên gia, việc tạo ra giống mới ở nước ta hiện nay chủ yếu nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu sản xuất của nông dân mà chưa được khai thác giá trị thương mại. Trong khi tại nhiều nước phát triển, các đơn vị nghiên cứu tạo ra giống mới sẽ bán quyền khai thác giống này cho doanh nghiệp để họ sản xuất hay xuất khẩu cây trồng. Rõ ràng, nếu vấn đề thương mại của giống cây trồng không được quan tâm, chú trọng thì các tổ chức, cá nhân nghiên cứu sẽ khó có được động lực tìm kiếm, lai tạo giống mới cho năng suất, chất lượng cao.

Không ít ý kiến cho rằng, cần xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo đảm cho chủ sở hữu có thể khai thác lợi nhuận và tái đầu tư cho hoạt động sáng tạo của mình từ giống cây trồng. Sự kiện Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) mua bản quyền giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 của Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) với giá 2 tỷ đồng mới đây được xem là cú hích quan trọng đánh dấu sự thay đổi về nhận thức của cộng đồng về vấn đề bản quyền giống.

Tới bảo hộ quyền

Bảo hộ giống cây trồng không chỉ vướng ở nhận thức của tổ chức, cá nhân nghiên cứu mà còn khó ở việc thực thi, áp dụng các chính sách pháp luật. Mặc dù vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) và chuyển giao công nghệ đã được Bộ luật Dân sự 1995 quy định nhưng nội dung về giống cây trồng – một trong những đối tượng được điều chỉnh bởi Hiệp định thương mại về SHTT (TRIPS) vẫn chưa được đề cập tới. Phải đến năm 2005 khi Luật SHTT ban hành, mới có quy định cụ thể về đối tượng này. Có lẽ vì sinh sau đẻ muộn mà khi đề cập tới quyền SHTT, ít người biết tới sự tồn tại của giống cây trồng mà quan tâm nhiều hơn tới các đối tượng khác của quyền tác giả hay quyền sở hữu công nghiệp.

Theo Luật SHTT 2005, giống cây trồng được bảo hộ có phải tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, có tên phù hợp; thuộc danh mục giống cây trồng được bảo hộ do Bộ NN và PTNT ban hành. Tính khác biệt được thể hiện ở chỗ, giốëng cây trồng mới phải có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống đã được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn. Song, để xác định được giống cây trồng được biết tới rộng rãi gồm những loại nào không hề đơn giản, nhất là khi cho tới nay vẫn thiếu cơ sở pháp lý quy định nghĩa vụ của chủ văn bằng bảo hộ trong việc nêu rõ nguồn gene bản địa đã tiếp cận để tạo ra giống mới. Mặc dù Công ước UPOV đã có quy định nhưng cho tới nay, Luật SHTT vẫn chưa giải quyết được vấn đề bảo hộ giống cây trồng mới do biến đổi gene. Mặt khác, việc chưa xây dựng được cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ nhân lực cần thiết để phân biệt, xét nghiệm đánh giá các giống cây trồng cũng là nguyên nhân khiến cho công tác thẩm định giống mới và bảo hộ quyền của chủ sở hữu còn gặp nhiều khó khăn.

Để bảo đảm quyền của chủ sở hữu, vấn đề bảo hộ độc quyền sáng chế đối với giống cây trồng mới theo Hiệp định TRIPS được không ít chuyên gia đánh giá cao. Thế nhưng, hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế chỉ tối đa trong vòng 20 năm, điều này là chưa hợp lý bởi thời gian khai thác giống cây trồng có thể kéo dài trên 25 năm. Thực tế này đòi hỏi các nhà quản lý phải xây dựng hệ thống bảo hộ riêng hữu hiệu đối với giống cây trồng mới để bảo đảm cho người tạo giống cây trồng có thể khai thác lợi nhuận và tái đầu tư hoạt động sáng tạo của mình.

Đại biểu nhân dân (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ