Cao Bằng phê duyệt dự án Nâng cao năng suất chất lượng đến năm 2020
Tỉnh Cao Bằng vừa ban hành Quyết định 628/QĐ - UBND của Ủy ban Nhân dân Tỉnh Cao Bằng về phê duyệt Dự án "Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Cao Bằng đến năm 2020".
Tỉnh Cao Bằng phê duyệt dự án Nâng cao NSCL SPHH của tỉnh Cao
Bằng đến năm 2020. Ảnh: NV
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, nhằm góp phần
ổn định và nâng cao năng suất, chất lượng (NSCL) sản phẩm hàng hóa (SPHH) chủ
lực của tỉnh, tăng khả năng cạnh tranh, tạo đà phát triển nhanh, hiệu quả, ổn
định và bền vững cho nền kinh tế, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án "Nâng cao
NSCL SPHH của tỉnh Cao Bằng đến năm 2020".
Dự án hướng đến mục tiêu, số lượng doanh
nghiệp cần tiến hành khảo sát đánh giá, để xác định đủ điều kiện tham gia vào dự
án là 50 doanh nghiệp; doanh nghiệp sản xuất các SPHH chủ lực của địa phương
tham gia vào dự án là 25 doanh nghiệp; các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống
quản lý, mô hình công cụ cải tiến NSCL là 15 doanh nghiệp; doanh nghiệp tham
gia ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đổi mới công
nghệ, hoàn thiện công nghệ là 19 doanh nghiệp; chuyên gia về đánh giá đào tạo
đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn trình độ chất lượng của SPHH là 20 chuyên
gia; hình thành 1 tổ chức đánh giá chất lượng hàng hóa; hỗ trợ các doanh nghiệp
xây dựng chương trình bảo vệ môi trường, kiểm soát năng lượng và sử dụng công
nghệ tiên tiến là 12 doanh nghiệp; phấn đấu có ít nhất 5 doanh nghiệp điển hình
về cải tiến NSCL.
Để đạt được các mục tiêu trên, dự án
đề ra 5 nội dung, trong đó xác định SPHH chủ lực, xác định và lựa chọn các
doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực tham gia vào dự án. Triển
khai hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn về NSCL cho các doanh
nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia triển
khai thực hiện dự án. Tăng cường hiệu quả quản lý, năng lực kỹ thuật của hoạt động
đo lường thử nghiệm về NSCL của các sản phẩm hàng hóa chủ lực tại địa phương.
Đánh giá trình độ chất lượng của SPHH.
Cũng theo UBND tỉnh Cao Bằng, để thực hiện
dự án này, nguồn kinh phí được cân đối từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học,
công nghệ được giao hàng năm của Sở Khoa học và Công nghệ; kinh phí Trung ương
được đề xuất theo Chương trình quốc gia về "Nâng cao NSCL SPHH của doanh
nghiệp Việt Nam đến năm 2020" và các nguồn khác. Các sở, ngành liên quan
và UBND các huyện, thành phố tổ chức phổ biến nội dung Dự án cho các cơ quan,
tổ chức, doanh nghiệp trong phạm vi của ngành, hướng dẫn và tạo điều kiện cho
các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tham gia Dự án, gắn kết hoạt động kinh tế
xã hội của đơn vị, địa phương với phong trào năng suất, chất lượng của tỉnh.
Phát biểu trong chương trình làm việc với
UBND tỉnh Cao Bằng mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN)
Trần Văn Tùng cho rằng, Cao Bằng cần quan tâm hơn đến nguồn nhân lực KH&CN;
xác định một số tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, du lịch…;
phát hiện, ứng dụng những kết quả nghiên cứu Khoa học – Kỹ thuật góp phần phát
triển kinh tế, đưa những chính sách thành hành động, kết quả cụ
thể. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số đề tài, dự án thuộc Chương trình phát
triển nông thôn miền núi; quan tâm công tác sở hữu trí tuệ, đặc biệt là việc
bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc thù của địa phương và nhận thức rõ vai
trò của KH&CN, hoạt động KH&CN cần được nâng lên…
Được biết, năm 2012-2013, Cao Bằng tập
trung nghiên cứu phát triển, thử nghiệm các loại cây trồng có thế mạnh của từng
địa phương, ứng dụng tiến bộ KH&CN tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá
trị kinh tế cao, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Trong đó, nhiều
đề tài, dự án được đánh giá cao, điển hình như các đề tài, dự án: Ứng dụng công
nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng và phát triển giống cam Trưng
Vương, quýt Hà Trì (Hòa An); Nghiên cứu bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp
hương Bảo Lạc và giống Pì Pất (Hòa An); Xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ôn
đới tại Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình); Xây dựng mô hình trồng và chế
biến chè chất lượng cao tại Phja Đén… tỉnh đã thẩm tra công nghệ 5 dự án đầu
tư; triển khai hỗ trợ cho 3 dự án đầu tư đổi mới công nghệ của 3 đơn vị sản
xuất kinh doanh với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/dự án; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu
công nghiệp được 3 đơn vị với tổng kinh phí 18 triệu đồng.
Thực hiện công tác tiêu chuẩn hóa,
phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp áp dụng, công bố về tiêu chuẩn và quy
chuẩn kỹ thuật; từ 2012 đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành 6 đợt kiểm tra chất
lượng sản phẩm, hàng hóa của 13 huyện, thành phố; kiểm tra 44 sản phẩm của 43
cơ sở. Thực hiện 10 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 28 tổ chức, cá nhân;
xuất bản 8 số tài liệu Thông tin KHKT.