Đánh giá tải lượng chất ô nhiễm của mô hình nuôi thâm canh cá tra và cá trê lai tại thành phố Cần Thơ
Trong tháng 4 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã thành lập Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài “Đánh giá tải lượng chất ô nhiễm của mô hình nuôi thâm canh cá tra và cá trê lai tại thành phố Cần Thơ”, do Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trinh và Nghiên cứu sinh Lê Ngọc Tuấn – Viện Khí tượng Thủy văn Hải văn và Môi trường làm chủ nhiệm.
Mục
tiêu đề tài nhằm phân tích, đánh giá và xác định tải lượng chất ô nhiễm chủ yếu: chất hữu
cơ, đạm tổng số và lân tổng số của mô hình nuôi thâm canh cá tra và cá trê lai
tại TP. Cần Thơ; từ đó đề xuất biện pháp quản lý đồng bộ nhằm hạn chế ô nhiễm
môi trường do nuôi thâm canh, phù hợp với mỗi mô hình.
Nhóm nghiên cứu đã tiến
hành khảo sát, đánh giá chất lượng nước ao nuôi dựa vào các chỉ tiêu chủ yếu:
các chất ô nhiễm hữu cơ (BOD5 và COD), nồng độ các chất dinh dưỡng (Tổng N và
Tổng P), tại các khu vực quận Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Cờ Đỏ đối với mô hình
nuôi cá tra; quận Bình Thủy và huyện Phong Điền đối với mô hình nuôi cá trê lai.
Kết quả phân tích chất
lượng nước tại các mô hình nuôi cho thấy, nguyên nhân dẫn đến chất lượng nước
bị ô nhiễm là do dư lượng thức ăn gây ra. Đây vừa là tác nhân gây ô nhiễm môi
trường ao nuôi, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Tuy nhiên,
đề tài chỉ mới bước đầu tính toán hệ số ô nhiễm cho từng ao nuôi cá dựa trên số
liệu thu thập về môi trường nước, chưa xem xét đến ảnh hưởng đến bùn đáy.
Nhóm tác giả đề xuất, cần
nghiên cứu về giống, phương thức sản xuất thân thiện môi trường, sản xuất thức
ăn thủy sản, ứng dụng công nghệ mới trong nuôi thâm canh và bán thâm canh nhằm
nâng cao năng suất, hạ giá thành nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường
trong thời gian tới.