Sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long
Theo Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2014, Dự án “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa tại Đồng bằng sông Cửu Long” được triển khai tại các tỉnh trong khu vực này, bước đầu đạt hiệu quả nhất định và đang hướng đến các mục tiêu của Dự án.
Mô
hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao đã
giúp người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt hiệu quả kinh tế
cao trong thâm canh lúa (Ảnh: K.V)
Theo đó, ở vụ hè thu 2014, mô hình
liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao, phục vụ sản xuất lúa hàng
hóa tại đồng bằng sông Cửu Long có 8/9 đơn vị triển khai, với trên 544 ha, mỗi
ha thuộc mô hình được Dự án tài trợ 2,52 triệu đồng và 80kg giống lúa cấp
nguyên chủng.
Sau quá trình triển khai, sản lượng
giống cấp xác nhận dự kiến đạt hơn 2.800 tấn, đạt 78,9% kế hoạch, hiện phần
lớn diện tích mô hình đang trong thời kỳ thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt
52,4 tạ/ha, sản lượng 2.847 tấn lúa giống.
Đây là Dự án được triển khai từ năm
2014 đến năm 2016, nhằm xây dựng các mô hình liên kết bền vững giữa nông dân,
doanh nghiệp và nhà khoa học trong việc sản xuất và cung ứng hạt giống lúa có
phẩm cấp cho vùng, nâng diện tích sử dụng hạt giống xác nhận, tăng năng suất,
hiệu quả sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, ngoài ra, thông qua các mô
hình cụ thể cũng nâng cao năng lực của người sản xuất giống lúa, nâng cao nhận
thức của nông dân trong việc sử dụng hạt giống lúa xác nhận.
Được biết, mục tiêu của Dự án là trong
ba năm xây dựng mô hình sản xuất giống tại 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với
tổng diện tích trên 2 nghìn ha, năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha với tổng sản
lượng 10 nghìn tấn giống đạt cấp xác nhận. Phấn đấu đến năm 2016, diện tích sản
xuất giống từ mô hình và từ nguồn vốn huy động của các đơn vị tham gia sẽ duy trì
ở mức 10 nghìn ha, với khả năng cung cấp trên 50 nghìn tấn giống, đảm bảo tỷ lệ
sử dụng giống xác nhận của vùng đạt 50% diện tích khi dự án kết thúc.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa chất
lượng cao, qua mỗi vụ lúa, ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long
đều tổ chức các buổi hội thảo, tham quan các mô hình sản xuất giống, đánh giá
các giống lúa triển vọng, qua đây, giúp người nông dân có cơ hội tìm hiểu thêm
các giống lúa và khả năng thích nghi của chúng. Nhờ vậy việc sản xuất các giống
lúa được thuận lợi hơn so với các giống lúa truyền thống.
Thời gian qua, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và
chuyển giao các giống lúa mới cho bà con nông dân trong khu vực. Hiện, Viện Lúa
Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển giao hàng trăm giống lúa mới mang tên gọi OM
cho nông dân sản xuất, trong đó có nhiều giống được công nhận là giống lúa quốc
gia. /…