Áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc tế và sự phát triển doanh nghiệp
Trong xu hướng chung của thương mại thế giới, nhiều quốc gia đã sử dụng hàng rào kỹ thuật như là biện pháp bảo hộ quan trọng đối với hàng hóa nhập khẩu. Để có thể vượt qua các hàng rào kỹ thuật này, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động nghiên cứu, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc tế, được các thị trường nhập khẩu chấp nhận. Đồng thời, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và thành công trong giao lưu thương mại.
Nguồn: ITN
Xu hướng
tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại ngày càng được đẩy mạnh, nhiều hiệp định
thương mại tự do được ký kết, dần dần giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan. Để bảo
vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe cho con người, bảo vệ môi trường, an
ninh quốc gia… thì nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước thành viên WTO, đã sử dụng
hàng rào kỹ thuật trong thương mại như là một biện pháp bảo hộ hiệu quả nhất,
phù hợp với xu thế chung của thương mại thế giới.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong khi tiêu chuẩn và quy
chuẩn kỹ thuật đã trở thành thước đo, chuẩn mực để so sánh, đánh giá chất lượng
sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong hợp tác thương mại toàn cầu thì các doanh
nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa thực sự quan tâm
nhiều hoặc còn lúng túng trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Nhiều doanh nhiệp nhỏ không biết phải áp dụng tiêu chuẩn gì cho phù hợp và sản
phẩm của mình khi đưa ra thị trường có đạt tiêu chuẩn và đáp ứng nhu cầu của thị
trường không. Đây là thách thức lớn của cộng đồng doanh nghiệp nước ta trong
sân chơi toàn cầu hóa.
Những năm qua, mặt hàng xuất khẩu chính của các doanh nghiệp Việt Nam là sản
phẩm thủy sản, dệt may, da dày, hàng nông sản. Đây cũng là những mặt hàng thường
xuyên đối mặt với các vụ kiện, bị áp thuế chống bán phá giá hoặc bị từ chối nhập
khẩu vì không vượt qua hàng rào quy chuẩn về vệ sinh thực phẩm. Để nâng cao sức
cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa trên trường quốc tế, không còn cách nào
khác, Việt Nam cần tăng cường sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng cho
các văn bản pháp lý và tiêu chuẩn quốc gia. Cần chú ý là việc sử dụng các tiêu
chuẩn quốc tế phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia các nước đang phát triển. Việc
lựa chọn sai lầm có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng như công nghệ nhập khẩu
không phù hợp với điều kiện địa phương; lãng phí đầu tư trong chương trình phát
triển công nghiệp; nỗ lực xuất khẩu các sản phẩm địa phương trở lên vô nghĩa vì
không đáp ứng được pháp luật và tiêu chí của thị trường nước ngoài.
Thực tế đã khẳng định, thông qua việc áp dụng tiêu chuẩn, doanh nghiệp có
thể thu được một số lợi ích rõ rệt như tạo ra môi trường ổn định, có thể dự
đoán để tăng cường quản lý công nghệ và sáng chế mới; có khả năng phát triển thị
trường và nâng cao tính cạnh tranh; thỏa mãn các yêu cầu pháp lý, bảo vệ người
tiêu dùng, qua đó tạo ra trào lưu và thị hiếu sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ người
tiêu dùng. Về lâu dài, nó sẽ bảo đảm sự tồn tại và phát triển bền vững cho
doanh nghiệp trong bối cảnh mặt bằng năng lực quản trị, quản lý doanh nghiệp của
nước ta còn ở mức độ thấp.
Tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng
các loại tiêu chuẩn như tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn của
thị trường xuất khẩu, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, với
doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh, định hướng xuất khẩu sang thị trường EU
thì doanh nghiệp phải biết được các hàng rào kỹ thuật nào ở thị trường này mà
doanh nghiệp phải vượt qua. Từ đó có chiến lược tiếp cận thị trường và chiến lược
sản phẩm thích hợp và phù hợp với thị trường. Theo Bộ Khoa học Công nghệ, thực
tế, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật là biện pháp phi thuế quan chính mà EU áp dụng
đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước ngoài liên minh. Hệ thống rào cản kỹ thuật
được cụ thể hóa ở 5 tiêu chuẩn của sản phẩm gồm tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn
vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng, tiêu chuẩn bảo vệ môi
trường và tiêu chuẩn lao động.
Hiện nay, trên thế giới tồn tại rất nhiều mô hình quản lý chất lượng mà các
doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng. Đó là các bộ tiêu chuẩn của ISO về hệ thống
quản lý chất lượng (ISO 9001), ISO 14001- hệ thống quản lý môi trường, HACCP -
hệ thống phân tích các nguy cơ và kiểm soát các điểm trọng yếu trong lĩnh vực
nông sản và thực phẩm, GMP - quy chế thực hành sản xuất tốt trong lĩnh vực dược
và thực phẩm, OHSAS 18001- hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp,
ISO 22000 - hệ thống quản lý an toàn thực phẩm… Khi chọn đúng mô hình quản lý
chất lượng và áp dụng nó một cách đúng mực, doanh nghiệp sẽ tận dụng được hết lợi
thế mà hệ thống này mang lại như đổi mới cơ cấu tổ chức quản lý, hoàn thiện kỹ năng
quản lý hiện đại của đội ngũ lãnh đạo, quản trị trong doanh nghiệp, tăng hiệu
quả quản lý, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Qua đó, giúp doanh nghiệp phát triển
bền vững và thành công trong giao lưu thương mại.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng lưu ý, đôi khi các nhà bảo hộ sẽ dựa vào quy
trình đánh giá sự phù hợp nhằm tăng chi phí của nhà sản xuất khi muốn bán hàng
ra bên ngoài thông qua sự phức tạp của các quy trình và phương pháp đánh giá.
Trong những trường hợp này, nguyên tắc thừa nhận được nêu trong Hiệp định về
hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của WTO sẽ là lợi thế và công cụ hữu
hiệu cho các doanh nghiệp nhằm hạn chế chi phí cho quá trình thử nghiệm và chứng
nhận sản phẩm.