Nâng tầm thương hiệu Cam Cao Phong
Cây ăn quả có múi bắt đầu được đưa vào trồng tập trung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình từ trên 40 năm nay.
Nhiều hộ trên địa bàn huyện đã chuyển đổi diện tích đất sang trồng
cam cho thu nhập cao (ảnh: Gia đình bà Bùi Thị Sơn, xóm Bảm, xã Tây
Phong, huyện Cao Phong trồng cam đang cho thu năm thứ nhất)
Những
năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa những giống mới tiến bộ
thay thế giống cũ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chú trọng đầu tư thâm canh đã
mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Toàn tỉnh
đã hình thành những vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung mang tính hàng
hóa khá rõ nét như vùng cam ở huyện Cao Phong, Lạc Thủy; vùng bưởi tại huyện
Tân Lạc, Lương Sơn. Trong đó, từ nhiều năm nay, cam Cao Phong là sản phẩm nông
nghiệp nổi tiếng của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho người dân. Trước những đòi
hỏi của thị trường và thực tiễn sản xuất, cam Cao Phong đang đứng trước cơ hội
lớn để khẳng định thương hiệu.
Đồng
chí Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao
Phong cho biết: Hiện toàn huyện có trên 1.200ha trồng cam, bao gồm quýt Ôn
Châu, cam CS 1, cam Xã Đoài, cam Canh, cam chín muộn V2… Thời gian tiêu thụ sản
phẩm kéo dài từ 7- 9 tháng trong năm. Cây cam cho thu nhập cao, tính tại thời
điểm năm 2013, thu nhập bình quân khoảng 500 – 700 triệu đồng/ha. Cam canh và
cam V2 cho giá cao nhất, có hộ thu khoảng 3 tỷ đồng/ha, cây trồng ở năm thứ 7.
Diện tích cam trên địa bàn huyện được trồng phân tán ở các xã nhưng chủ yếu tập
trung ở thị trấn. Thị trường tiêu thụ cam Cao Phong chủ yếu ở khu vực phía Bắc,
từ Vinh (Nghệ An) trở ra; do sản xuất sạch và an toàn nên cam Cao Phong rất có
giá, được thị trường ưa chuộng.
Những năm gần đây, nhờ tập trung trồng cam có quy hoạch, sản xuất an toàn, cam
Cao Phong đã có được thị trường tiêu thụ nhiều và trở thành cây kinh tế chủ lực
của huyện. Mỗi năm có hàng chục hộ thu nhập tiền tỷ, đặc biệt một số hộ thu nhập
từ 5 -10 tỷ đồng. Anh Lê Quang Đông, phố Bằng, xã Tây Phong chia sẻ: Gia đình
tôi có trên 1 ha cam, chủ yếu là trồng cam Xã Đoài, cho thu một năm khoảng 700
triệu đồng. Nhờ trồng cam, kinh tế gia đình ổn định, cho thu nhập khá. Sắp tới
gia đình tôi sẽ mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng cam hoặc nhãn Hương
Chi. Cây cam không những đã thay đổi cuộc sống của gia đình tôi mà còn thay đổi
diện mạo của cả huyện Cao Phong, đi tới đâu cũng bạt ngàn một màu xanh cam,
mía.
Theo
quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tỉnh định hướng
phát triển cây ăn quả nói chung lên với diện tích 11- 12.000 ha, trong đó, quy
hoạch vùng sản xuất cam an toàn tập trung khoảng 3.000 ha. Tỉnh ta chủ trương
đưa các giống cam mới thuộc nhóm chín sớm, nhóm chín trung bình, nhóm chín muộn
có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để tăng giá trị và rải vụ. Áp dụng chế
độ luân canh cây có múi với các cây trồng họ đậu để tăng cường độ phì nhiêu và
duy trì độ ẩm cho đất ở giai đoạn kiến thiết cơ bản. Ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ
thuật trong thâm canh cây ăn quả có múi. Kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế
biến nước hoa quả cho các vùng sản xuất tập trung. Tăng cường liên kết giữa các
hộ sản xuất nhằm khuyến khích hình thành hội nghề nghiệp trong sản xuất, tiêu
thụ sản phẩm. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho người sản xuất
và cán bộ kỹ thuật; chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, sơ chế
đến tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh việc ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt
(VietGAP) và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế sản
phẩm cây có múi; xây dựng các mô hình ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến
trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây có múi an toàn, làm cơ sở mở rộng trong
sản xuất đại trà.
Theo đồng
chí Nguyễn Văn Phúc, trước kia có tình trạng trà trộn gắn mác cam Cao Phong hoặc
mua lại cam Cao Phong gắn mác các thương hiệu cam khác. Trước thực tế này, huyện
và tỉnh đã có nhiều giải pháp bảo vệ sản phẩm, cụ thể tới tháng 10 đăng ký
thương hiệu cam Cao Phong và có chỉ dẫn địa lý. Cam Cao Phong sẽ có thương hiệu
chính thức trên thị trường, huyện cũng đang tiến hành liên kết với Tổng công ty
thương mại Hapro để tiêu thụ sản phẩm. Một tín hiệu mừng nữa là vừa qua đã có
nhà đầu tư ở thị trường Đông Âu tới hỏi thu mua cam Cao Phong. Hy vọng với những
tín hiệu tốt này, cam Cao Phong không những có được chỗ đứng tại thị trường
trong nước, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài tăng giá trị và nâng tầm thương hiệu
cam Cao Phong.