Vai trò, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ với sự phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 30-10, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) phối hợp với Sở KH và CN tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị toàn quốc về quản lý sở hữu trí tuệ tại Bạc Liêu. Nhân dịp này, phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn TS Huỳnh Minh Hoàng, đại biểu Quốc hội, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Bạc Liêu (trong ảnh) về vai trò, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.
PV:
Đồng chí cho biết, mục đích, nội dung, quy mô của Hội nghị toàn quốc về quản lý
sở hữu trí tuệ lần này?
Giám
đốc Sở KH và CN tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Minh Hoàng: Có thể khẳng định: Sở hữu
trí tuệ (SHTT) ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển
kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện như hiện nay.
Tạo dựng
được một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh và hoàn thiện đó là một nhân tố không thể
thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào. Nó
cũng đồng thời là một đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế. Một
trong những hoạt động góp phần tạo dựng, đăng ký, khai thác, quản lý, phát triển
và bảo vệ quyền SHTT là hoạt động quản lý Nhà nước. Để hoạt động này ngày càng
có hiệu quả và phát huy tốt vai trò thì khâu tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm
và định hướng phát triển trong thời gian tới là việc làm hết sức cần thiết.
Mục đích
của Hội nghị lần này là tổng kết các hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trên
toàn quốc trong năm qua và định hướng phát triển trong thời gian tới, đồng thời
thúc đẩy hoạt động đổi mới, tăng cường khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế
thế giới.
Các hoạt
động bên lề Hội nghị này còn có Hội thảo "Sở hữu trí tuệ với sự phát triển
kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL", giúp cung cấp các thông tin, kiến thức,
kinh nghiệm thật sự hữu ích cho các đại biểu, góp phần triển khai có hiệu quả
cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của
các viện, trường, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng KH
và CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới...
Hội nghị
được tổ chức lần này ở Bạc Liêu mang tính thường niên và có quy mô cấp quốc
gia, có sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo các Sở KH và CN và cán bộ
chuyên trách về SHTT, đại diện các đơn vị trong Bộ KH và CN và một số đơn vị hỗ
trợ, tư vấn, dịch vụ đại diện SHTT, các DN, các nhà tài trợ và các cơ quan
thông tấn báo chí, với hơn 300 đại biểu từ mọi miền đất nước đến tham dự .
PV:
Những vấn đề trọng tâm, "điểm nhấn" của Hội nghị lần này cần được
quan tâm giải quyết, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc về hoạt động sở hữu trí tuệ
của cả nước nói chung trong thời gian qua như thế nào, thưa đồng chí?
Giám
đốc Sở KH và CN tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Minh Hoàng: Hiện, cùng với Bộ luật
Dân sự 2005, Luật Sở hữu trí tuệ 2006, Chính phủ đã ban hành một số văn bản hướng
dẫn chi tiết về các quyền và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam. Các nghị định,
pháp luật SHTT nước ta đã tiệm cận dần đến các nguyên tắc và quy định của WTO,
WIPO... Đây là một trong những điểm sáng mà Việt Nam vẫn luôn tự hào. Tuy
nhiên, so với hệ thống bảo hộ của các nước phát triển thì hệ thống thực thi SHTT
Việt Nam hiện nay vẫn còn những bất cập qua một số điểm chính sau: Thứ nhất,
quy định của pháp luật về các biện pháp thực thi quyền SHTT còn nhiều bất cập
và thiếu tính thực tế.
Trên thực
tế, khái niệm "Thế nào là thực thi quyền SHTT" chỉ tồn tại trong các
nghiên cứu khoa học, báo cáo,... mà những tài liệu này thì tính phổ cập lại quá
thấp. Không có một khái niệm, dù là khái niệm chung nhất "Thế nào là thực
thi quyền SHTT". Điều này dễ dẫn đến tình trạng là đang tồn tại một số
quan điểm khác nhau về "Thực thi quyền SHTT" của các cán bộ nhà nước,
hoặc chính doanh nghiệp.
Hai là, hệ
thống cán bộ thực thi quyền SHTT còn mỏng và tồn tại nhiều điểm yếu về chuyên
môn và nhận thức. Lâu nay chúng ta vẫn quen chỉ sử dụng luật "trong nước"
trong khi các quan hệ thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ gia tăng nhanh
chóng, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải trang bị những kiến thức về pháp luật
quốc tế. Hai điểm bất cập trên đây chính là những nguyên nhân chủ yếu của tình
trạng vi phạm quyền SHTT ở Việt Nam mà không được xử lý kịp thời hiện nay. Đây
cũng là rào cản ngăn Việt Nam hoàn thành mục tiêu lịch sử đã được Đảng và Nhà
nước ta xác định: Hội nhập và phát triển.
Trong bối
cảnh hiện nay, việc áp dụng chính xác luật, việc dẫn chiếu pháp luật, sử dụng
thành thạo quy phạm xung đột pháp luật... là rất quan trọng đối với cả nhà nước
và doanh nghiệp. Vì vậy, những vấn đề trọng tâm, "điểm nhấn" của hội
nghị lần này hướng tới nhằm mục đích tháo gỡ chính là những bất cập kể trên.
PV:
Nhân dịp Hội nghị toàn quốc về quản lý sở hữu trí tuệ được tổ chức tại địa
phương, đề nghị đồng chí cho biết, những cái "được" và chưa "được"
trong lĩnh vực này của tỉnh Bạc Liêu thời gian qua?
Giám
đốc Sở KH và CN tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Minh Hoàng: Thời gian gần đây, ở Bạc
Liêu dưới tác động của các cơ chế chính sách khuyến khích, kinh phí hỗ trợ cho
các dự án xây dựng, quản lý từ ngân sách Trung ương và địa phương, công tác quản
lý đã có những bước phát triển mới đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế -
xã hội cũng như nhu cầu hội nhập với tư cách là một ngành động lực. Tuy nhiên,
so với yêu cầu hội nhập sâu và toàn diện, Bạc Liêu vẫn còn phải phấn đấu nhiều và
tích cực hơn.
Chương
trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 (Chương trình 68)
đã được triển khai ở Bạc Liêu qua dự án "Tuyên truyền, phổ biến kiến thức
về SHTT trên các phương tiện truyền thông địa phương" đã cung cấp kiến thức
cơ bản và chuyên sâu về SHTT cũng như có tác động tích cực đến nhận thức của DN
và cộng đồng dân cư về vai trò quan trọng của SHTT trong hội nhập, trong phát
triển kinh tế -xã hội, hiệu quả to lớn của loại tài sản vô hình này khi DN, người
sản xuất biết bảo vệ, khai thác tốt chủ thể quyền. Nhìn chung, chương trình đã
góp phần nâng cao kiến thức và nhận thức của DN và cộng đồng dân cư về SHTT một
cách rõ nét.
Hiện, tỉnh
Bạc Liêu có hơn 1.330 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động đã tạo giá trị sản
phẩm hàng hóa hàng nghìn tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, năng lực sản xuất, kinh doanh
cũng như số lượng sản phẩm còn hạn chế. Hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh
phát triển chưa thật bền vững bởi còn nhiều sản phẩm chưa được bảo hộ, chưa xây
dựng và định vị được thương hiệu của mình. Số lượng đơn đăng ký bảo hộ SHTT còn
hạn chế (theo thống kê của Sở KH và CN tỉnh Bạc Liêu thì số lượng đơn đăng ký
SHTT từ các đơn vị kinh doanh trong tỉnh từ năm 1997 đến nay là 215 đơn, trong số
này mới chỉ có 138 văn bằng bảo hộ). Vấn đề ở đây là nhận thức của các DN đối với
vấn đề SHTT, DN còn chưa nắm vững ý nghĩa, nội dung của cơ chế bảo hộ SHTT, còn
hết sức thờ ơ với SHTT với một lý do sản phẩm của mình không xuất khẩu thì đăng
ký làm gì hay sản phẩm tôi chỉ bán trong tỉnh thôi mà đăng ký SHTT làm chi...
PV:
Với vai trò là "chủ nhà" trong việc lần đầu tiên đăng cai tổ chức một
Hội nghị mang tầm toàn quốc tại địa phương, về trách nhiệm, nhất là việc chuẩn
bị cho Hội nghị này đã được Sở KH và CN tỉnh Bạc Liêu nỗ lực thực hiện ra sao, thưa
đồng chí?
Giám
đốc Sở KH và CN tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Minh Hoàng: Với tư cách là đơn vị
"chủ nhà" được đăng cai tổ chức Hội nghị toàn quốc quản lý nhà nước về
SHTT tại địa phương, chúng tôi rất vinh dự, tự hào, đồng thời cũng thấy rõ
trách nhiệm của mình là phải làm hết sức mình vì sự thành công của Hội nghị.
Bởi lẽ, hội
nghị chính là nơi giải quyết các vấn đề quan trọng có liên quan đến lĩnh vực
SHTT, góp phần vào nhiệm vụ đưa đất nước ta ngày càng hội nhập kinh tế sâu,
toàn diện và hiệu quả hơn. Trên tinh thần đó, công tác chuẩn bị cho Hội nghị đã
được tiến hành một cách khẩn trương, nghiêm túc, chu đáo...
Tỉnh ủy,
UBND tỉnh Bạc Liêu cũng rất quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội nghị
toàn quốc quản lý nhà nước về SHTT lần này thành công tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu,
nhiệm vụ, sự kỳ vọng mà Bộ KH và CN, Cục Sở hữu trí tuệ và các đại biểu trên mọi
miền đất nước tin tưởng, giao phó. Chúng tôi đã cố gắng hết mình để xứng đáng với
vùng đất, con người có truyền thống khí phách, hào hiệp, quý mến khách...
PV:
Xin cảm ơn đồng chí!