Phát triển sở hữu trí tuệ trong thời kỳ hội nhập
Năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập sân chơi kinh tế toàn cầu, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cơ cấu, trật tự nền kinh tế trong nước và cả trong tư duy kinh tế. Tư duy ấy đòi hỏi mỗi doanh nghiệp (DN), người sản xuất phải tìm phương pháp riêng trong việc phát triển sản phẩm cũng như áp dụng hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), tiến tới khai thác các lợi ích to lớn của SHTT trong quá trình sản xuất, kinh doanh…
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch lúa Một bụi đỏ - Sản xuất muối tại xã Điền Hải (huyện Đông
Hải). Ảnh: L.H
Cần tăng cường bảo vệ quyền SHTT
Kinh nghiệm của các nước đã trải qua giai đoạn công nghiệp cho thấy, nếu
tăng cường bảo hộ SHTT lên 10% thì đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng 50% và
các công nghệ cao sẽ tăng trưởng 40%. Đó là cơ hội vô cùng to lớn mà các nước
đang phát triển như Việt Nam phải nắm bắt.
Bạc Liêu hiện có hơn 1.330 DN vừa và nhỏ đang hoạt động đã tạo giá trị sản
phẩm hàng hóa hàng ngàn tỷ đồng/năm. Nhìn chung, năng lực sản xuất, kinh doanh
cũng như số lượng sản phẩm còn hạn chế. Hàng hóa của các DN Bạc Liêu phát triển
chưa thật bền vững bởi còn nhiều sản phẩm chưa được bảo hộ, chưa xây dựng và định
vị được thương hiệu của mình. Số lượng đơn đăng ký bảo hộ SHTT còn rất hạn chế (từ
năm 1997 đến nay chỉ có 138 văn bằng bảo hộ trong số 196 đơn đăng ký).
Với bờ biển dài 56km, Bạc Liêu là nơi có diện tích sản xuất muối lớn nhất
khu vực ĐBSCL. Chính điều kiện về khí tượng, thủy văn, thổ nhưỡng đặc biệt này
đã tạo ra 2 sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương và đã được cấp giấy chứng
nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý: Gạo Một bụi đỏ và muối ăn.
Gạo Một bụi đỏ là đặc sản truyền thống và nổi tiếng được sản xuất trên diện
tích 15.000ha tại huyện Hồng Dân. Gạo Một bụi đỏ được sản xuất trong điều kiện
về tự nhiên có nhiều đặc điểm khác biệt so với những sản phẩm cùng loại khác,
bao gồm sự khác biệt về điều kiện khí hậu, đất đai, giống lúa, kỹ thuật canh
tác và quy trình sản xuất. Chất lượng gạo Một bụi đỏ Hồng Dân có thể sánh với gạo
Basmati của Ấn Độ; còn nếu đem so với gạo trong nước thì chất lượng ngang bằng
với gạo Nàng thơm, Nàng hương Chợ Đào... những thương hiệu gạo hàng đầu của Việt
Nam. Hiện nay, quy trình sản xuất lúa Một bụi đỏ theo hướng GAP đã được các hợp
tác xã áp dụng với diện tích ngày càng tăng, công tác quảng bá sản phẩm cũng như
cải tiến chất lượng sản phẩm này đang được xúc tiến và đẩy mạnh.
Cùng với gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, sản phẩm muối ăn của Bạc Liêu đã chính thức
trở thành thương hiệu quốc gia khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa
lý.
Về quy trình sản xuất, muối Bạc Liêu không khác biệt so với kỹ thuật sản xuất
của các tỉnh như: Sóc Trăng, Trà Vinh... Tuy nhiên, cách phơi nước biển là một
kỹ thuật sản xuất truyền thống rất riêng của Bạc Liêu, có điểm khác biệt cơ bản
với kỹ thuật sản xuất muối ở miền Trung và miền Bắc. Bên cạnh đó, so với muối của
những nơi khác, muối Bạc Liêu có tính chất, chất lượng đặc thù và rất dễ nhận
biết. Muối có màu trắng, trắng hồng, ánh xám, không mùi, vị mặn, không vị đắng
và hạt khô, chắc. Trong đó, muối không vị đắng là một yếu tố đặc thù tạo nên sự
khác biệt của muối Bạc Liêu so với muối của các tỉnh khác.
Vài định hướng phát triển SHTT ở Bạc Liêu
Cùng với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương (Sở NN&PTNT, Sở Công
thương), Cục SHTT - Bộ KH-CN, các Hiệp hội nghề nghiệp tích cực triển khai công
tác quản lý và phát triển các sản phẩm đã được đăng ký, giúp khai thác tốt giá
trị tài sản trí tuệ gắn với việc nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm; đặc biệt
là sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Thực trạng bảo hộ quyền SHTT của địa phương đang trong bối cảnh các tổ chức
nghề nghiệp rất yếu kém nên trong những hoạt động có ý nghĩa quyết định đến sự
bền vững của sản phẩm không thể chỉ dừng lại ở việc thiết kế một logo, hệ thống
nhận diện thương hiệu mà phải liên tục duy trì, nuôi dưỡng thông qua các hoạt động
xây dựng và quản trị, quảng bá thương hiệu. Vì vậy, địa phương, các ngành chức
năng sẽ chú trọng công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho
DN và các đơn vị liên quan trong việc chủ động bảo hộ, xây dựng chiến lược phát
triển, quản lý sản phẩm thông qua các hoạt động như: Xây dựng và triển khai các
hoạt động hỗ trợ DN và các tổ chức, cá nhân quảng bá, thương mại cho các sản phẩm
thông qua các kênh hội chợ trưng bày sản phẩm, triển lãm, phát thanh, truyền
hình; Hỗ trợ các đơn vị phát triển các kênh thương mại mới, tiếp cận và nắm bắt
thông tin phản hồi từ thị trường; Tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử
lý những hành vi xâm phạm; Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về đăng ký
bảo hộ tài sản SHTT cho các đối tượng có nhu cầu, nhất là sản phẩm mang chỉ dẫn
địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; Phấn đấu đến năm 2020 có 5 sản
phẩm đăng ký nhãn hiệu cấp quốc tế...
Nhìn chung, những cố gắng và kết quả về SHTT ở Bạc Liêu trong những năm qua
đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, cần được tiếp
tục quan tâm và nâng cao nhận thức về quyền SHTT của các cấp, ngành, DN và người
dân thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật về SHTT, đặc
biệt là hậu quả từ hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Việc trước mắt và lâu dài là đẩy mạnh công tác hỗ trợ các DN, cá nhân, đơn
vị sản xuất, kinh doanh ở địa phương hướng tới các thị trường mục tiêu, cơ hội
quảng bá hình ảnh và sản phẩm, để phát triển thương hiệu và tăng hiệu quả sản
xuất, kinh doanh cũng như xây dựng, bảo vệ và định vị thương hiệu trong
tâm trí người tiêu dùng một cách bền vững, đáp ứng được lợi ích lâu dài của DN.
Kết quả này một lần nữa cho thấy, trong nền kinh tế thị trường và hội nhập
quốc tế, vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ nhằm phát triển sản xuất, tăng tính cạnh
tranh và tìm đầu ra ổn định cho nông sản của địa phương đã được lãnh đạo và các
ngành hữu quan quan tâm đúng mức..
Với những kết quả đạt được, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong
tỉnh, trong đó Sở KH-CN Bạc Liêu làm nòng cốt, chắc chắn vấn đề phát triển SHTT
trong những năm tới sẽ “gặt hái” nhiều kết quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm
vụ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp
phần xây dựng Bạc Liêu ngày một phát triển nhanh, vững chắc…
Dưới góc độ chủ thể quyền SHTT, việc bảo vệ quyền
SHTT sẽ bảo đảm việc xử lý, ngăn chặn và ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền
SHTT. Dưới góc độ xã hội, bảo vệ quyền SHTT có tác dụng kích thích, thúc đẩy
hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn và
lành mạnh. Dưới góc độ quốc tế, bảo vệ quyền SHTT luôn là mối quan tâm to lớn
không chỉ ở từng quốc gia mà ở cả bình diện quốc tế. |