SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao

[28/10/2014 15:32]

Những năm qua, tôm nuôi của người dân ở các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL bị thiệt hại nặng nề, dịch bệnh trên tôm lây lan trên diện rộng. Song, các ngành chức năng vẫn không xác định được nguyên nhân tôm chết! Trước tình hình trên, một số doanh nghiệp nuôi tôm tại Bạc Liêu đã xây dựng và đầu tư mô hình nuôi tôm trong nhà kính theo công nghệ của Tập đoàn C.P (Thái Lan).

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng trong nhà kính. Ảnh: P.T.C

Mô hình nuôi tôm trong nhà kính không chỉ giúp người nuôi tôm giảm bớt thiệt hại, chủ động phòng tránh rủi ro, mà còn cho lợi nhuận kinh tế cao. Qua quá trình nghiên cứu và đúc kết kinh nghiệm thành công từ các công ty có mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, Sở KH-CN đã đặt hàng Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) để doanh nghiệp này thực hiện dự án xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN: “Đặt hàng các doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp quan trọng gắn khoa học - công nghệ với thực tiễn. Việc làm này sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, nhu cầu của thực tiễn đặt ra và hạn chế việc nghiên cứu các đề tài, dự án cất vào ngăn kéo vì khó ứng dụng vào thực tiễn”.

Theo Sở KH-CN, dự án xây dựng mô hình nuôi tôm trong nhà kính gồm xây nhà màng bao phủ các ao nuôi, lót bạt dưới đáy và xung quanh thành ao, lắp đặt hệ thống quạt, ô-xy đáy, hệ thống dây chuyền cho tôm ăn tự động, hệ thống kiểm soát các yếu tố môi trường, dịch bệnh, hệ thống lọc sinh học (biofilter) tuần hoàn khép kín…

Mô hình đầu tư khá hiện đại và khép kín này có thể nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ cao (từ 200 - 300 con/m2). Tôm sau 100 - 105 ngày nuôi là có thể thu hoạch (đạt kích cỡ từ 30 - 33 con/kg), năng suất đạt khoảng 60 tấn/ha, giá bán trên thị trường bình quân 150.000 - 170.000 đồng/kg. Tôm nuôi trong nhà kính bên cạnh ưu điểm như dễ kiểm soát môi trường, tôm nuôi còn tăng trưởng nhanh, bóng và đẹp nên được các công ty chế biến tôm xuất khẩu thu mua với giá cao.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính thành công sẽ góp phần hình thành một phương thức sản xuất mới. Đó là phương thức khai thác mang tính hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một diện tích mặt nước. Đồng thời, hình thành mô hình sản xuất kết hợp kiểu mới, quy mô sản xuất từng bước nâng cao dần, thực hiện với trình độ kỹ thuật nuôi thủy sản tiên tiến, chủ động trong tất cả các khâu sản xuất từ chuẩn bị cải tạo hệ thống sản xuất, con giống, thức ăn, quản lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh đến giai đoạn tạo ra sản phẩm tôm thương phẩm với năng suất cao, chất lượng tốt, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Qua đó, góp phần hạ giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm. Đặc biệt là đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất khi thị trường tiêu thụ sản phẩm biến động về giá…

Báo Bạc Liêu (nthieu)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ