Khoa học - công nghệ thủy lợi đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành
Thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tập trung xác định một số hướng nghiên cứu trọng tâm trên cơ sở kế thừa các thế mạnh và nền tảng về khoa học được xây dựng từ trước. Bước đầu các nghiên cứu đã phát huy hiệu quả và được đánh giá cao...
Bơm ly tâm hút sâu được ứng
dụng
rộng rãi tại các tỉnh miền núi
phía Bắc,
phục vụ tưới tiêu nông nghiệp
Nhờ phát
triển thủy lợi trong những năm qua đã tăng diện tích tưới cho ngành trồng trọt
thông qua việc tạo nguồn, ngăn mặn, cải tạo chua phèn, tiêu úng và phòng, chống
thiên tai, qua đó đã tạo điều kiện cho lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi chủ động
chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Có thể thấy, cơ sở hạ tầng
thủy lợi phục vụ nông nghiệp đã góp phần quan trọng để ổn định, bảo đảm an ninh
lương thực và tăng giá trị xuất khẩu.
Các đề
tài nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phục vụ tái cơ cấu ngành
trong thời gian qua, tập trung vào các vấn đề lớn như tưới tiên tiến, tiết kiệm
nước; nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi; thủy lợi phục vụ
nuôi trồng thủy sản; phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, an toàn hồ đập, các giải
pháp bảo vệ bờ biển thân thiện với môi trường, thể chế, chính sách và xã hội
trong sử dụng hợp lý tài nguyên nước và phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Tưới tiên
tiến, tiết kiệm nước là giải pháp công nghệ hiện đại, ưu việt so với phương thức
tưới truyền thống, giúp tiết kiệm nước tưới, phân bón, giảm công chăm sóc, tăng
năng suất, cải thiện thu nhập người dân và góp phần bảo vệ môi trường. Nhằm hiện
thực hóa chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2020 sẽ
có 500 nghìn ha cây trồng cạn được tưới bằng phương thức tưới tiên tiến, tiết
kiệm, Viện đã tập trung vào việc xây dựng các quy trình, chế độ tưới cho các
cây trồng cạn chủ lực như mía, cam, cà-phê, tiêu, điều... Tổ chức xây dựng các
mô hình mẫu tưới tiên tiến, tiết kiệm như tưới cam ở Cao Phong - Hòa Bình, tưới
cà-phê ở tập đoàn cà-phê Trung Nguyên, tưới mía ở Viện Nghiên cứu mía đường -
Bình Dương, Công ty mía đường Quảng Ngãi... Bước đầu cho kết quả tốt và có thể
nhân rộng trong thực tế sản xuất.
Ngoài ra,
các nghiên cứu của Viện về lĩnh vực thủy lợi phục vụ thủy sản, phòng tránh giảm
nhẹ thiên tai, an toàn hồ đập, các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển bền vững
và thân thiện với môi trường, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa, các
lưu vực sông, bản đồ ngập lụt vùng ven biển do nước dâng, do siêu bão... đã bám
sát yêu cầu của thực tiễn và có những đóng góp thiết thực. Năm 2013, những trận
bão lớn đổ bộ dồn dập, miền trung phải gồng mình trước liên tiếp những trận lũ
lụt nghiêm trọng, nhiều nơi lũ lịch sử. Kết thúc mùa mưa bão, khó khăn trong
triển khai đối phó lũ lụt ở miền trung đã được chỉ ra, đó vẫn là sự bị động
trong công tác phòng, chống. Với đặc thù địa hình dốc, cộng với các hồ chứa thượng
lưu xả lũ khi mưa lớn đã khiến lũ hạ du ở nhiều nơi lên quá nhanh, chính quyền
và người dân không kịp trở tay. Ở một số nơi, khi lũ lên, chính quyền và cơ
quan chức năng triển khai ứng cứu như "đi vào rừng rậm" do không nắm
được địa bàn nào lũ nghiêm trọng, nơi nào cần sơ tán dân, nơi nào cần cứu hộ cứu
nạn... Trước những bất cập này, Viện cùng một số cơ quan đã gấp rút rà soát,
xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa cho các lưu vực sông miền trung. Nói
như PGS, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam): Bản đồ sẽ như
là một công cụ "chỉ điểm", giúp chính quyền các địa phương và cơ quan
chức năng chủ động triển khai phòng chống lũ, lụt. Căn cứ các kịch bản và dữ liệu
đã được xây dựng, sẽ biết rõ các vùng bị ngập, địa bàn ngập, diện tích bị ngập,
số dân cư trong vùng bị ngập... Và như vậy, từ mùa mưa bão 2014, việc đối phó
lũ lụt ở miền trung từng bước chuyển từ bị động như trước đây sang thế chủ động.
Trong bối
cảnh hiện nay, ngành thủy lợi phát triển theo hướng bền vững cần hướng tới mục
tiêu phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực, nâng cao mức bảo đảm an toàn trong phòng
tránh và giảm nhẹ thiên tai. Một trong những nhiệm vụ trước mắt là phát triển một
nền nông nghiệp chủ động tưới, tiêu theo hướng hiện đại, đẩy mạnh trên diện rộng
các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực như
cà-phê, hồ tiêu, chè, điều, mía, cây ăn quả... Trọng tâm là khu vực Tây Nguyên,
Ðông Nam Bộ, duyên hải miền trung và miền núi phía bắc. Ðể làm được như vậy,
ngoài việc rà soát quy hoạch thủy lợi trên các địa bàn phục vụ nuôi trồng thủy
sản tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế
- xã hội của địa phương, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ
thuật.
Viện đang
tiến hành các nghiên cứu phục vụ quy hoạch khai thác tài nguyên nước tổng hợp
theo các lưu vực sông và các vùng theo hướng quy hoạch thủy lợi gắn với tái cơ
cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi
và nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo biến đổi khí hậu và các bất lợi trong
quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên cả lưu vực sông. Viện cũng xúc tiến
nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ: khảo sát, thiết kế, thiết bị, thi
công công trình thủy lợi (cống ngăn triều, ngăn sông khẩu độ lớn, cửa van lớn,
công trình đập dâng có độ cao lớn, thiết bị tưới tiên tiến, tiết kiệm, các dạng
bơm đặc thù...); ứng dụng kết cấu mới, vật liệu mới trong xây dựng hạ tầng thủy
lợi kết hợp xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu áp dụng việc chuyển đổi phương
thức hoạt động của các doanh nghiệp quản lý khai thác công trình từ cơ chế giao
kế hoạch sang đặt hàng hoặc đấu thầu nhiệm vụ quản lý khai thác. Ðồng thời xây
dựng quy trình đánh giá hiệu quả hoạt động hệ thống công trình thủy lợi và đề
xuất kế hoạch hiện đại hóa...
Trong thời
gian qua, Viện rất chú trọng công tác hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu và chuyển
giao các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới vào Việt Nam, rút ngắn thời
gian nghiên cứu để sớm tiệm cận với trình độ của các nước tiên tiến. Hiện nay,
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam sở hữu hơn 10 loại hình công nghệ được cấp bằng
độc quyền sáng chế, và được chuyển giao rộng rãi vào sản xuất, tạo thế cạnh
tranh trên thị trường. Các công nghệ mũi nhọn của Viện liên tục được hoàn thiện
để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tế.