Công cụ nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, do vậy sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng được những cơ hội cũng như giải quyết được những thách thức trong quá trình hội nhập. Trong những năm qua, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện với mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan trong xã hội, tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, v.v.
Nước mắm Phú Quốc được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ
Việt Nam bảo hộ tên gọi trong nước và bảo hộ độc quyền tại 28 nước thuộc Liên
minh châu Âu. Ảnh: THU HÀ
Theo đánh
giá chung của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Diễn đàn Thương mại và
Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), cũng như theo kinh nghiệm của một số nước đã
trải qua các giai đoạn phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ theo tiêu chuẩn ngày
càng nâng cao, với những nước đang phát triển như Việt Nam thì việc chấp nhận
các tiêu chuẩn cao về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quan hệ với các quốc gia trên
thế giới có thể sẽ tạo ra những khó khăn, thách thức nhất định. Có ba thách thức
chính. Thứ nhất, cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ có tác động hạn chế khả năng tiếp
cận của xã hội và người tiêu dùng Việt Nam đối với nhiều sản phẩm và dịch vụ,
thậm chí ảnh hưởng việc thực hiện một số chính sách xã hội. Thứ hai, cơ chế bảo
hộ sở hữu trí tuệ với tiêu chuẩn cao đặt các doanh nghiệp và các nhà đầu tư của
Việt Nam vào một môi trường pháp lý phức tạp, bắt buộc họ phải chi phí cho việc
sử dụng cơ chế này. Thứ ba, cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ khắt khe tạo nên sự bất
bình đẳng giữa các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí giữa
nền kinh tế lớn với nền kinh tế nhỏ.
Tuy
nhiên, những khó khăn, tác động tiêu cực nêu trên chỉ là tạm thời, trước mắt. Lợi
ích căn bản, lâu dài của một cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ đầy đủ, có hiệu quả
là "góp phần thúc đẩy việc cải tiến, chuyển giao và phổ biến công nghệ,
mang lại lợi ích cho cả người sáng tạo và người sử dụng công nghệ cũng như lợi
ích kinh tế - xã hội nói chung" (Ðiều 7, Hiệp định TRIPS). Ðài Loan (Trung
Quốc), Hàn Quốc là những thí dụ về sự thành công trong nỗ lực kiềm chế tiêu cực,
vượt qua khó khăn và đang gặt hái những lợi ích lớn của hệ thống sở hữu trí tuệ
có hiệu quả. Những tấm gương đó là căn cứ để tin tưởng rằng Việt Nam cũng sẽ đạt
được những thành quả trong tương lai.
Trong những
năm gần đây, nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam liên
quan sở hữu trí tuệ đã tăng lên đáng kể. Có thể thấy rõ điều này thông qua số
liệu thống kê về đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
Số liệu
thống kê từ năm 1981 đến năm 2013 cho thấy số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của
các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng (cả về số lượng và tỷ lệ so với đơn của doanh
nghiệp nước ngoài). Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký sáng chế lại tăng không
đáng kể và luôn duy trì ở mức khoảng 10% tổng số đơn sáng chế được nộp hằng năm.
Có thể thấy rằng số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ được cấp cho các chủ
thể Việt Nam còn thấp so với tiềm năng, nhất là số đơn đăng ký sáng chế. Số
doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (chủ yếu là nhãn hiệu) chỉ
chiếm khoảng 25% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (theo số liệu thống kê gần
đây của Tổng cục thuế về số doanh nghiệp đang hoạt động và có nộp thuế là khoảng
từ 400 nghìn trong khoảng 600 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh) và số
lượng Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích cấp cho người Việt Nam chỉ chiếm
chưa đến 10% tổng số bằng sáng chế/giải pháp hữu ích đã cấp ra.
Nguyên
nhân của tình trạng này một mặt là do trình độ khoa học, công nghệ của Việt Nam
còn lạc hậu, mặt khác là do sự thiếu hiểu biết của doanh nghiệp về hệ thống bảo
hộ quyền sở hữu công nghiệp. Số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của
người Việt Nam ra nước ngoài lại càng ít hơn (gần như là không đáng kể), tình
trạng này sẽ gây bất lợi không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn mở rộng
kinh doanh ra thị trường nước ngoài. Ðiều này cũng đúng đối với các loại tài sản
trí tuệ khác như kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý...
Trên thực
tế, ở Việt Nam các kết quả nghiên cứu, sáng tạo được tạo ra hằng năm không phải
là ít, tuy nhiên doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng
ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở trong nước và nước ngoài mà mới chỉ dừng lại
ở việc khai thác nhỏ lẻ, hoặc tham dự các hội thi, giải thưởng khoa học công
nghệ. Thực tế này làm cho việc đầu tư nghiên cứu trở nên lãng phí (không được độc
quyền khai thác nhằm thu hồi vốn và không được công bố rộng rãi cho công
chúng), không thúc đẩy cơ chế bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp phát triển. Bên cạnh
vấn đề xác lập quyền, các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc khai thác quyền
sở hữu công nghiệp của mình mà chưa tính đến việc hợp tác, chuyển giao quyền
khai thác ra bên ngoài nhằm thu lợi trực tiếp.
Ðể giải
quyết được tình trạng lãng phí này và góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu,
triển khai, khai thác giá trị thương mại của thành quả nghiên cứu, các cấp có
thẩm quyền cần hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và tiến hành các thủ
tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, chuyển giao quyền sử dụng đối với thành
quả sáng tạo không những ở trong nước, mà còn ở cả nước ngoài; hỗ trợ các doanh
nghiệp tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình cũng
như để bảo vệ mình khi xảy ra tranh chấp với người khác ở các thị trường nước
ngoài.
Cơ chế bảo
hộ độc quyền sở hữu trí tuệ được coi là một bộ phận thiết yếu trong hệ thống
chính sách, pháp luật quốc gia. Việc xây dựng và củng cố hệ thống chính sách và
pháp luật về sở hữu trí tuệ, tăng cường hiệu quả của cơ chế bảo hộ là một trong
những nhiệm vụ trọng tâm đưa nước ta vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho hệ thống chính
sách, pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam là thiết lập và vận
hành các biện pháp nhằm khai thác tối đa vai trò tích cực của cơ chế bảo hộ quyền
sở hữu trí tuệ, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế đó, bảo
đảm hài hòa với pháp luật quốc tế nhưng phù hợp về thể chế, pháp luật và trình
độ phát triển của Việt Nam.