Hội thảo "Rào cản kỹ thuật trong thương mại, kinh nghiệm và giải pháp thực thi"
Ngày 5 tháng 12 năm 2014, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương đã phối hợp với Văn phòng TBT Việt Nam tổ chức hội thảo “Rào cản kỹ thuật trong thương mại, kinh nghiệm và giải pháp thực thi”tại Hà Nội.
Hội thảo là hoạt động thuộc khuôn khổ của
đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, đề xuất các
giải pháp sử dụng hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) phù hợp với hoạt
động xuất nhập khẩu nhằm phát triển kinh tế xã hội Việt Nam”.
Với mục đích cung cấp thông tin, trao đổi
kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực thi các rào cản kỹ thuật trong thương
mại (TBT) trong hoạt động xuất nhập khẩu cho cán bộ quản lý, các nhà nghiên cứu
và doanh nghiệp, Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham gia của các Bộ, ngành,
các chuyên gia trong lĩnh vực TBT, cán bộ từ các Điểm TBT địa phương trong Mạng
lưới TBT Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp.
Đối với một quốc gia đang
phát triển như Việt Nam, việc đối mặt với hàng rào kỹ thuật trong thương mại
(TBT) được đánh giá là nhiều thách thức hơn cơ hội. Để đối phó với TBT một cách
hiệu quả, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và KH&CN ngày càng sâu rộng, liên
kết chặt chẽ với nhau, cần phải hiểu rõ những đặc điểm của TBT để nắm vững
những ưu điểm và yếu điểm nhằm chủ động đón nhận những thách thức và cơ hội mới
để vượt qua được TBT của nước ngoài, đồng thời xây dựng hệ thống TBT có hiệu
quả trong nước, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nâng cao
chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, bên cạnh các thông tin được đưa ra
từ những chuyên gia, nhà quản lý như: thông tin liên quan đến tình hình xuất
khẩu của Việt Nam và rào cản thương mại tại một số thị trường chính; thông tin về
tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam đối với các loại hàng hóa nhập khẩu; và các
thông tin liên quan đến những đặc điểm mới, lợi thế của TBT để Việt Nam có thể
chủ động ứng phó; Hội thảo còn là diễn đàn để các doanh nghiệp chia sẻ những
khó khăn, khúc mắc trong việc hướng dẫn, tuyên truyền và phổ biến thông tin từ
phía Nhà nước, cũng như chủ động đề xuất những giải pháp, kiến nghị mà bản thân
doanh nghiệp cho rằng sẽ giúp họ tồn tại và phát triển trong quá trình Hội nhập
ngày càng sâu và rộng.
Tóm lại, để có thể vượt qua được những rào cản thương mại thì cần sự nỗ
lực rất lớn từ hai phía cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Các đại biểu đồng tình
rằng, ngoài việc các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong đầu tư, đổi mới công
nghệ và nghiên cứu thị trường, thì Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ
hiệu quả, đúng và trúng hơn với nhu cầu và nội lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh
nghiệp vừa và nhỏ./.