Xác định liều lượng phân silic thích hợp trên các mức bón đạm khác nhau cho giống lúa nếp cái hạt cau gieo cấy tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa
Giống lúa nếp cái hạt cau là giống đặc sản bản địa, có thân cây cao, dễ đổ do đó nếu khắc phục được yếu điểm này, có thể ổn định, nâng cao năng suất trước các bất thuận của điều kiện tự nhiên. Năng suất tự nhiên của giống lúa nếp cái hạt cau thấp so với các giống mới và các giống đang được gieo trồng tại các địa phương có trồng giống nếp cái hạt cau.
Thông qua phục tráng, đã tuyển chọn xác định
được dòng đại diện có năng suất khá, nhưng không vượt quá 43 tạ/ha và trong sản
xuất đại trà chỉ đạt 35- 40 tạ/ha. Cùng với việc chống đổ bằng việc bón cân đối
NPK, việc bón thêm silic, theo đó năng suất giống nếp cái hạt cau sẽ đạt được
mức ngưỡng tối đa về năng suất.
Từ những lý do trên, nhóm tác giả Trần
Thị Ân, Nguyễn Bá Thông - Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa tiến hành nghiên cứu “Xác định liều lượng phân silic
thích hợp trên các mức bón đạm khác nhau cho
giống lúa nếp cái hạt
cau gieo cấy tại huyện Thạch Thành tình Thanh Hóa”.
Nội dung nghiên cứu gồm: Nghiên cứu ảnh
hưởng của liều lượng phân silic trên các mức bón đạm khác nhau đến một số chỉ
tiêu nông học của giống lúa nếp cái hạt cau; Nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng phân silic
trên các mức bón đạm khác nhau đến khả năng chống chịu sâu bệnh và các điều
kiện ngoại cảnh bất thuận; và nghiên
cứu ảnh hưởng của
liều lượng phân silic trên
các mức bón đạm khác nhau đến các yếu tố cấu thành năng suất, năng suất, chất
lượng và hiệu quả kinh tế của giống lúa nếp cái hạt cau.
Kết quả thí nghiệm xác định liều lượng phân
silic ở các mức bón đạm khác nhau cho
thấy: Mức bón đạm 60 kg N/ha, lượng bón phân silic thích hợp và mang lại hiệu
quả kinh tế cao nhất là bón 200 kg SiO2/ha, năng suất đạt 43,65 ta/ha, tăng
11,5%, lãi ròng đạt 5.265.000 đồng/ha, chỉ số MBCR (lợi nhuận cận biên) đạt 4,5
lần so với công thức không bón silic. Mức bón đạm 75 kg N/ha, lượng bón silic
thích hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất là bón 300 kg SiO2/ha,
năng suất đạt 45,78 tạ/ha, tăng 11,0%, lãi ròng đạt 5.265.000 đồng/ha, chỉ số
MBCR lợi nhuận cận biên) đạt 3,0 lần so với công thức không bón silic. Ở mức
bón đạm 90 kg N/ha, tuy năng suất ở liều lượng bón 300 kg SiO2/ha
đạt cao nhất 45,08 tạ/ha, tăng 9,4% so với công thức không bón silic, nhưng
hiệu quả kinh tế không cao, cho nên không nên áp dụng.