Nghiên cứu một số đặc tính nông sinh học của giống quýt Tràng Định tại huyện Tràng Định – Lạng Sơn
Giống quýt Tràng Định là nguồn gien cây ăn quả có múi quý, không những có giá trị kinh tế cao mà còn có giá trị tinh thần đối với đồng bào các dân tộc tại huyện Tràng Định - Lạng Sơn. Để khai thác và phát triển nguồn gien cây có múi quý này một cách bền vững, cần chỉ ra được những tồn tại chính trong sản xuất, đánh giá được một số đặc điểm nông sinh học nhằm góp phần hoàn thiện quy trình trồng và chăm sóc.
Theo
hướng nghiên cứu trên, nhóm tác giả Vũ Việt Hưng, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thị
Tuyết đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên
cứu một số đặc tính nông sinh học của giống quýt Tràng Định tại huyện Tràng Định,
Lạng Sơn”, nhằm đánh giá được hiện trạng sản xuất và một số đặc điểm nông
sinh học chính để góp phần định hướng cho những nghiên cứu nhằm hoàn thiện quy
trình trồng và chăm sóc nguồn gien quýt Tràng Định tại huyện Tràng Định - Lạng
Sơn.
Kết
quả chỉ ra rằng: Hiểu biết của các hộ trồng quýt Tràng Định về kỹ thuật canh
tác và quản lý vườn còn hạn chế, các biện pháp kỹ thuật cơ bản như: bón phân, cắt
tỉa, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh hại đã không được áp dụng hoặc áp dụng
không đồng bộ. Giống quýt Tràng Định có một số đặc điểm nông sinh học chính
sau: xuất hiện 3 - 4 đợt lộc/năm; tỷ lệ đậu quả ổn định đạt khá cao, khoảng
3,21%; năng suất thực thu trung bình đạt khoảng 38,57 kg/cây 8 năm tuổi; quả có
hình cầu dẹt, vỏ quả và tép quả đều có màu vàng; khối lượng trung bình quả đạt
162,65 g/quả; số múi/quả là 11,32 múi; số hạt là 26,32 hạt/quả; tỷ lệ phần ăn
được đạt trung bình 74,39%; độ brix đạt 11,5%; hàm lượng đường tổng số đạt 8,31
- 10,02%; axit tổng số khá cao, đạt 0,851 - 0,884%; hàm lượng chất khô đạt khoảng
11,96 - 12,03% và hàm lượng vitamin C đạt 25,64 - 26,60 mg/100 g.