Nghiên cứu xử lý ra hoa rải vụ xoài cát hòa lộc (Mangifera indica L.) tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang
Xoài cát Hòa Lộc là loại cây ăn trái chủ lực, có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cũng như nhiều loại cây ăn trái khác, cây xoài ra hoa theo mùa nên điệp khúc “trúng mùa, rớt giá” luôn là mòi lo hàng đầu của nông dân. Do đó, điều khiển cho xoài ra hoa, thu hoạch quanh năm nhằm thỏa mãn nhu cầu thị trường và bán được giá cao là vấn đề được nhà vườn quan tâm.
Từ
thực tế trên, tác giả Trần Văn Hâu và nhóm cộng sự (Khoa Nông nghiệp & Sinh
học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện đề tài “Nghiên cứu xử lý ra hoa rải vụ xoài cát hòa lộc (Mangifera indica L.) tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền
Giang” nhằm đánh giá khả năng xử lý ra hoa rải vụ xoài cát Hòa Lộc tại xã
Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2014.
Thí
nghiệm có bốn nghiệm thức được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên, mỗi
nghiệm thức là một vụ, ba lần lặp lại, mỗi lặp lại là một mô hình có 30 cây.
Các thời vụ xử lý ra hoa trong năm là vụ thuận (12-1), vụ muộn (3-4), vụ sớm
(6-7) và vụ nghịch (9-10). Cây xoài được xử lý ra hoa theo quy trình của Trần
Văn Hâu và đồng tác giả (2011), trong đó xử lý paclobutrazol tạo mầm hoa với liều
lượng 1 g a.i./m đường kính tán, 2,5 - 3 tháng sau kích thích trổ hoa bằng cách
phun thiourê nồng độ 0,5%, phun lần hai sau bảy ngày với nồng độ giảm 50%.
Kết
quả cho thấy tỷ lệ ra hoa, tỷ lệ hoa lưỡng tính, tỷ lệ rụng trái non và năng suất
khác nhau trong khi phẩm chất trái khác biệt không có ý nghĩa giữa các mùa vụ
trong năm. Vụ nghịch có tỷ lệ ra hoa (68,2%) và đạt năng suất (18,8 kg/cây) cao
nhất mặc dù tỷ lệ rụng trái non cao (70,6%).