SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công nghệ tưới nhỏ giọt: Giải pháp kinh tế cho vùng cam Hòa Bình

[30/12/2014 20:43]

Việc nghiên cứu địa hình đất dốc áp dụng công nghệ trữ nước tưới nhỏ giọt với chi phí thấp hơn được Trung tâm Thủy lợi miền núi phía Bắc triển khai tại vựa cam của tỉnh Hòa Bình, không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo dựng giá trị bền vững cho thương hiệu cam Cao Phong.
Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho cam Cao Phong

Nguyên lý cơ bản của công nghệ tưới nhỏ giọt là đưa nước đến từng gốc cây ở dạng các giọt nước thông qua các vòi tưới nhỏ giọt. Lượng nước qua các vòi tưới được điều chỉnh bằng hệ thống điều khiển lượng nước nên cung cấp cho các gốc cây cùng liều lượng, không phụ thuộc vòi tưới ở gần hay xa. Người điều khiển hệ thống tưới có thể chủ động lượng nước tưới từ vài lít/gốc đến hàng nghìn lít/gốc trong một lần tưới, tùy thuộc yêu cầu cung cấp nước ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Thông qua hệ thống tưới, có thể kết hợp bón phân và thuốc phòng trừ sâu bệnh, giúp việc quản lý chất dinh dưỡng cho cây trồng chủ động và hiệu quả.

Đối với các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi… trong quá trình canh tác việc bảo đảm cung cấp đủ lượng nước cho nhu cầu sinh trưởng có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng quả. Qua nghiên cứu thực tiễn tại vùng cam Cao Phong, các chuyên gia của Trung tâm Thủy lợi miền núi phía Bắc đã lựa chọn công nghệ trữ nước tự nhiên và công nghệ tưới nhỏ giọt để áp dụng. Tuy nhiên, công nghệ này đang vượt tầm đầu tư của nhiều nông dân. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã hướng dẫn bà con lợi dụng đất dốc để xây bể trữ nước tự nhiên, vừa giúp có nguồn nước dự trữ, vừa giảm được chi phí bơm nước từ các nguồn khác. Các chuyên gia cũng nghiên cứu công nghệ và vật liệu giúp giảm chi phí đầu tư phù hợp với khả năng của người dân.

Sau thời gian thử nghiệm, kết quả áp dụng công nghệ này tại huyện Cao Phong đã minh chứng được hiệu quả kinh tế mang lại. Năm 2013, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở thị trấn Cao Phong đã mạnh dạn đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cam. Kết quả, sau một năm áp dụng công nghệ này đã có thể kiểm soát được độ ẩm và chủ động thời điểm tưới cho cây cam, tiết kiệm được 80% công tưới so với tưới trực tiếp gốc như trước đây, 90% công bón và 50% lượng phân vô cơ cần bón cho cây cam.

Ông Bình cho biết, sau quá trình theo dõi so với các vườn cam khác của ông cũng như các vườn cam của các hộ lân cận thì vườn cam áp dụng công nghệ tưới này có sự phát triển nổi trội hơn, các quả cam đều và đẹp hơn. Năng suất cũng cao hơn đáng kể.

Ông Lý Đình Hưng cùng ở thị trấn Cao Phong cho biết: với việc kết hợp mô hình thu trữ nước với công nghệ tưới nhỏ giọt cho cam qua gần một năm làm trên vườn nhà, tôi thấy tưới bằng hình thức này tiết kiệm được 40 - 50% lượng nước, 90% công tưới và 30% phân bón. Trước đây, mỗi lần tưới rất tốn kém tiền chi phí bơm nước. Ngại nhất là công dùng ống mềm tưới cho từng cây nên không tưới được thường xuyên. Khi bón phân cũng vậy, lúc nào thấy trời mưa mang phân đi bón đến từng gốc. Nhiều khi bón xong, trời nắng phân cũng tan rất lãng phí mà cây không hấp thụ được. Giờ đây, mỗi lần bón phân tôi pha vào bể rồi bật máy bơm là xong.

Với những kết quả thực tế mang lại trong việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ở Cao Phong không chỉ giúp giải quyết hiệu quả bài toán khó khăn về nước tưới mà còn là một giải pháp canh tác giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng. Đồng thời, kiểm soát tốt thành phần dinh dưỡng cũng như mẫu mã của sản phẩm cam nói riêng và cây ăn quả nói chung.

Báo Công Thương Điện Tử (nthieu)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ