Năm 2015: Đẩy mạnh xuất gạo sang châu Phi
Trong năm 2014, các DN Việt Nam xuất khẩu sang các nước châu Phi, Tây Á, Nam Á lượng gạo trị giá 410 triệu USD (khoảng 1 triệu tấn). Mới đây, Bộ Công Thương cho biết sẽ triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ DN mở rộng các thị trường tiềm năng này.
Với số dân hơn 1 tỷ người, nhu cầu
tiêu thụ gạo ở châu Phi ngày càng lớn và từ năm 2009 đến nay, phải nhập khẩu từ
8-10 triệu tấn gạo/năm, trị giá từ 3,5-5 tỷ USD trong đó chủ yếu là loại gạo
25% tấm.
Các quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất
châu Phi là Nigeria (3 triệu tấn/năm), Senegal, Côte d’Ivoire (800.000-1 triệu
tấn/năm), Nam Phi, Ghana (400-600.000 tấn), Tanzania, Algeria, Cameroon,
Guinea…
Các nước cung cấp gạo chính cho khu
vực này là Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Mỹ, trong đó Thái Lan vẫn là
nhà cung cấp gạo với khối lượng lớn nhất và chủng loại đa dạng, chiếm đến 50%
tổng lượng gạo nhập khẩu của châu Phi.
Trong khi tại khu vực Tây Á, Nam Á,
nhu cầu nhập khẩu gạo của Iran, Saudi Arabia, Kuwait, UAE, Bangladesh… dao động
từ 3-5 triệu tấn/năm.
Để có thể cạnh tranh được với gạo của
Thái Lan, Ấn Độ, năm 2015, Bộ Công Thương không chỉ tăng cường công tác thông
tin thị trường, xúc tiến thương mại gạo mà tập trung đàm phán và ký kết Bản ghi
nhớ (MOU) về thương mại gạo với các nước Côte d’Ivoire, Congo, Kenya, Angola,
Mozambique, Madagascar…
Các thương vụ của Việt Nam trong khu
vực là đầu mối quan trọng để giới thiệu khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp xác
minh đối tác, đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp phát sinh,
cũng như tổ chức các cuộc gặp nhằm thiết lập quan hệ giữa các ngân hàng
thương mại Việt Nam và châu Phi, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo. Đồng thời
hỗ trợ DN thành lập công ty, mở kho ngoại quan gạo tại một số thị trường trọng
điểm như Cameroon, Angola, Mozambique... để tiêu thụ gạo trực tiếp; triển
khai đề án đổi gạo Việt Nam lấy điều châu Phi.
Theo baocongthuong.com.vn (Duc Luu)