Không thay đổi quy định về “tỷ lệ mạ băng” cá tra xuất khẩu
Ngày 13/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức có văn bản số 293/BNN – QLCL trả lời công văn số 699-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang và UBND một số tỉnh ĐBSCL kiến nghị về tháo gỡ khó khăn thực hiện Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 (Nghị định 36) đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh.
Theo đó, liên quan đến kiến nghị bỏ
quy định tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% tại điểm b, khoản 3, Điều 6 Nghị định
số 36, Bộ NN&PTNT cho rằng, mục đích công nghệ của việc mạ băng là để bảo
vệ sản phẩm nhằm giảm thiểu khả năng mất nước (cháy lạnh) gây suy giảm chất
lượng sản phẩm trong quá trình bảo quản đông lạnh.
Theo hướng dẫn của Ủy ban Thực phẩm
quốc tế (CODEX), tỉ lệ mạ băng để đạt mục tiêu công nghệ thông thường là không
quá 5%. Do đó, quy định tỉ lệ mạ băng không được vượt quá 10% tại Nghị định 36
là cần thiết, phù hợp và đủ linh hoạt cho các DN trong chế biến sản phẩm cá tra
phi lê đông lạnh chất lượng tốt để XK và ngăn ngừa gian lận thương mại.
Liên quan tới kiến nghị của các DN về
quy định hàm lượng nước tối đa cho phép 83% là thiếu cơ sở khoa học, cần điều
chỉnh thay đổi, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản
và Thủy sản triển khai Đề tài khoa học cấp cơ sở nghiên cứu bổ sung về hàm
lượng nước trong cá tra phi lê đông lạnh.
Kết quả cho thấy, hàm lượng nước tự
nhiên trong phi lê cá tra chưa qua chế biến (rửa, ngâm quay, cấp đông) là 79,70
± 0.34%; không phát hiện việc lạm dụng chất kích thích tăng trưởng để tích nước
trong cá tại công đoạn nuôi. Việc sử dụng phụ gia nhóm phosphate là được phép
theo quy định của Ủy ban Thực phẩm quốc tế (CODEX) để cải thiện chất lượng cảm
quan, chống mất nước sau rã đông.
Tuy nhiên, sử dụng phụ gia vừa đủ
(tương ứng với hàm lượng nước là 83% và tỷ lệ tăng trọng là 15%) là đã đạt được
mục đích cải thiện chất lượng cảm quan, chống mất nước sau rã đông.
Theo Bộ NN&PTNT, nếu lạm dụng phụ
gia (ngâm quay kéo dài) đến hàm lượng nước là 85% - 86% thì tỷ lệ tăng trọng sẽ
tương ứng từ 35% đến hơn 40%, có thể bị coi là gian lận thương mại, làm suy
giảm chất lượng sản phẩm cá tra phi lê, bán giá thành thấp và dẫn đến nguy cơ
cá tra Việt Nam bị cáo buộc, áp thuế chống bán phá giá tại các thị trường (chấp
nhận điều này tương tự việc chấp nhận bơm tạp chất vào tôm và bơm nước vào gia
súc trước khi giết mổ).
Như vậy, quy định tỷ lệ mạ băng tối đa
không quá 10% và hàm lượng nước tối đa trong cá tra phi lê đông lạnh không quá
83% (tương ứng với mức tăng trọng là 15%), theo Bộ NN&PTNT là có đủ độ tin
cậy, cơ sở khoa học, và thực tiễn để từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và
đảm bảo phát triển bền vững sản phẩm cá tra Việt Nam. Tại văn bản này, Bộ
NN&PTNT cũng cho rằng: Hiện nay, việc XK thủy sản của Việt Nam chủ yếu qua
các DN NK, chứ không trực tiếp đến hệ thống bán lẻ, nên sự thay đổi này ảnh
hưởng đến lợi nhuận của nhà NK và cả DN XK Việt Nam. Việc không kiểm soát chất
lượng và để tự doanh nghiệp kê khai đã diễn ra trước khi có Nghị định 36 và hậu
quả là dẫn đến khủng hoảng toàn diện như thời gian qua.
Bộ NN&PTNT cho biết, để tháo gỡ
khó khăn trước mắt cho DN trong việc áp dụng các quy định nêu trên, Bộ đã đề
xuất và được Chính phủ đồng ý chưa thực hiện các quy định về hàm lượng nước, tỷ
lệ mạ băng tại điểm b, c khoản 3 Điều 6 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP đến hết ngày
31/12/2015 thay vì ngày 31/12/2014 như ban đầu. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công
Thương, Hiệp hội cá tra Việt Nam và VASEP để trao đổi kế hoạch triển khai thực
hiện.
Theo baocongthuong.com.vn (Duc Luu)