Doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá
Ngày 29-1, tại TP.HCM, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo Tự chứng nhận xuất xứ, kinh nghiệm của các nước và khuyến nghị với Việt Nam.
Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ sẽ cho phép doanh nghiệp (DN) được quyền tự khai báo xuất xứ của hàng hóa trên hóa đơn thương mại hoặc bất kì chứng từ nào khác thay cho Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hiện hành, nhờ đó sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư giữa các nước.
Mặt trái của cơ chế này
có thể tạo điều kiện cho gian lận thương mại nếu chế tài chưa đủ mạnh và người
áp dụng cơ chế chưa đủ kiến thức cũng như thông tin cần thiết liên quan đến
xuất xứ hàng hóa.
Theo bà Bùi Kim Thùy, Phó trưởng
Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nếu ở cơ chế hiện
tại đối tượng cấp C/O là hàng hóa thì ở cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối tượng
cấp C/O là DN. Do vậy, một trong những tiêu chí hàng đầu để trở thành nhà XK
được tự chứng nhận xuất xứ là DN phải nắm rất vững kiến thức về C/O.
So sánh giữa cơ chế cấp C/O hiện
tại với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, bà Thùy cho biết đối với cơ chế cấp C/O
hiện tại, DN sẽ xin C/O cho từng chuyến hàng. Đối tượng cấp C/O là hàng hóa và
sẽ cần có một thời gian nhất định để tổ chức cấp C/O thực hiện cấp C/O, gian
lận qua C/O không nhiều và chế tài xử phạt chưa mang tính răn đe.
Đối cơ chế tự chứng nhận xuất xứ,
DN xin giấy phép trong một thời gian nhất định sẽ được tự chứng nhận xuất xứ.
Đối tượng được cấp tự chứng nhận xuất xứ là các nhà xuất khẩu và nhập khẩu hàng
hóa. DN có thể chủ động về thời gian phát hành C/O. DN đủ điều kiện tự xác định
xuất xứ cho chính hàng hóa của mình sẽ tự phát hành C/O cho hàng hóa của mình.
Đối với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khả năng gian lận C/O cao do vậy chế tài
xử phạt sẽ rất nghiêm khắc.
Theo nhận định của các chuyên gia
của dự án EU-MUTRAP, xuất xứ là kĩ năng rất quan trọng của các DN thương mại.
Nếu hiểu và làm chủ được vấn đề xuất xứ, các nhà sản xuất Việt Nam có thể tận
dụng được các Hiệp định thương mại tự do hiện có và sắp ra đời. Do vậy, nếucác
DN không nỗ lực giải quyết các vấn đề về xuất xứ thì sẽ không tiếp cận được các
chính sách ưu đãi và không thể mở rộng được hoạt động xuất khẩu .
Ông Marius Bordalba, Cố vấn thương
mại cao cấp của dự án EU-MUTRAP cho rằng, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ sẽ là xu
hướng tất yếu của thế giới do vậy các DN cần hành động kịp thời để theo kịp xu
hướng. Tuy nhiên, đây là sẽ thách thức đối với nhiều DN vì không phải DN
nào cũng có đủ nguồn lực để áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Vì thế, các cơ
quan quản lí nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ nhằm giảm bớt áp lực cho DN, đặc
biệt là các DN vừa và nhỏ.
Với vai trò của Bộ Công Thương, bà
Bùi Kim Thùy cho biết, nhằm hỗ trợ DN có thể áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất
xứ, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các khóa đào tạo huấn luyện cho các DN đồng thời
sẽ chạy song song cả hai cơ chế cấp C/O nếu DN không thể tự cấp C/O vẫn có thể
yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cấp C/O cho mình.