Ngành thép: Chật vật vượt cơn bĩ cực
Năm 2014, dù đã có nhiều DN thép tăng trưởng khá, nhiều DN chấm dứt được đà thua lỗ, song bước sang năm 2015 dự báo tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với các DN ngành thép khi phải đối mặt với nguồn cung vượt cầu, sự bảo hộ bằng thuế quan sẽ giảm khiến ngành thép chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thép NK.
Khó khăn chồng chất
So với 2013, thị trường thép 2014
đã có cải thiện hơn. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, nếu như năm 2013
ngành thép chỉ đạt mức tăng trưởng 7,4 % thì năm 2014 tăng trưởng toàn ngành đã
đạt 12%. Tuy vậy do ảnh hưởng của giá thép thế giới, đồng thời chịu sức ép cạnh
tranh ngày càng gay gắt khiến cho giá thép bình quân 2014 trong nước liên tục
giảm, những khó khăn đến từ yếu kém nội tại của DN khiến nhiều DN thép phải
chật vật xoay xở.
Điển hình cho câu chuyện
vượt khó là Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel), một đơn vị chiếm thị
phần lớn của ngành thép. Do hoạt động không hiệu quả, Công ty mẹ - Tổng công ty
ngập chìm trong lỗ hai năm liền từ 2012-2013, số lỗ lũy kế đến cuối năm 2013
lên tới hơn 800 tỷ đồng.
Sang năm 2014, sau sự kiện “trảm
tướng”, VNSteel đã thực hiện tái cơ cấu một cách mạnh mẽ, toàn diện, hàng
loạt biện pháp quyết liệt như khoán chi cho các đơn vị thành viên, giải thể 5
chi nhánh làm ăn không hiệu quả, cắt giảm tối đa chi phí, thực hiện quyết liệt
việc điều chuyển nội bộ về nhân sự, giải thể và hợp nhất một số ban nghiệp vụ,
minh bạch chính sách bán hàng... đã được triển khai.
Nhờ cuộc “đại phẫu” này, đến cuối
năm 2014, lợi nhuận của Công ty mẹ đạt 70 tỷ đồng, vượt gấp 2 lần kế hoạch,
tổng lợi nhuận trước thuế của khối công ty con đạt 151 tỷ (năm 2013 lỗ 246 tỷ)
giúp VNSteel chính thức thoát ra khỏi tình trạng làm ăn thua lỗ.
Bàn về hoạt động sản xuất kinh
doanh trong năm 2014, ông Nguyễn Văn Phong, Phó TGĐ Công ty NS Bluescope Việt
Nam cho biết: Trước sự cạnh tranh gia tăng của các sản phẩm NK giá rẻ, chất
lượng thấp, tình trạng gian lận thương mại..., Bluescope Việt Nam đã phải mở
rộng các dòng sản phẩm mới, linh động hơn trong chính sách thanh toán với khách
hàng, nâng cao năng lực của hệ thống phân phối... và những nỗ lực nói trên đã
giúp cho tình hình kinh doanh của DN ổn định và tốt hơn năm trước.
Để vượt khó, nhiều DN tính tới đẩy
mạnh XK, song việc XK cũng gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt với các vụ
kiện phòng vệ thương mại của nước NK. Theo đại diện Tập đoàn Tôn Hoa Sen, năm
qua là một năm đi đâu cũng bị “chống bán phá giá”. Đơn cử, với thị trường
Indonesia, từ 2012 đến 2014, đã có 2 vụ Indonesia áp thuế tự vệ thương mại với mặt
hàng tôn lạnh với mức tuyệt đối gần 450 USD/tấn, trong vòng 3 năm, mỗi năm giảm
50 USD. Theo đại diện Tôn Hoa Sen, đây là “mức thuế không tưởng tượng được” và
gần như chúng ta bị đóng cửa hoàn toàn thị trường này.
Chia sẻ thêm, ông Hồ Quang Thiệp,
Phó TGĐ Công ty Tôn Phương Nam cho biết biện pháp phòng vệ của Indonesia đã
khiến hàng chục ngàn tấn hàng NK vào Indonesia hàng tháng phải “quay ngược” lại
Việt Nam, khiến cho cạnh tranh trên thị trường trong nước ngày càng căng thẳng,
trong khi nguồn cung tăng gấp 3 lần so với trước đây.
Áp lực tiêu thụ không giảm
Năm 2014, mặc dù ngành thép đã có
mức tăng trưởng khá so với năm 2013, nhưng Hiệp hội Thép Việt Nam cũng thừa
nhận thực tế công suất của các DN chỉ đạt 60% so với thiết kế, một phần là do
lượng thép NK tăng mạnh với lượng thép thành phẩm NK là 11 triệu tấn, tăng
21,7% so với 2013.
Theo dự báo của Hiệp hội Thép, năm
2015 tiêu thụ thép sẽ được cải thiện hơn, ngành thép đặt mục tiêu phấn đấu tăng
trưởng đạt 15%, song đây vẫn là năm khó khăn khi nguồn cung trong nước tiếp tục
dư thừa, sự bảo hộ bằng thuế quan sẽ giảm đi khi một loạt các FTA có hiệu lực,
các sản phẩm thép NK sẽ tràn vào Việt Nam, gây sức ép nặng nề đối với thép
trong nước.
Như vậy, áp lực tiêu thụ sẽ không
giảm, nhiều khó khăn đang chờ đợi đòi hỏi các DN phải có chiến lược sản xuất
kinh doanh phù hợp, đồng thời cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía
Nhà nước.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, TGĐ
VNSteel, dù đã bắt đầu có lãi, song nếu năm 2015 VNSteel không đột phá trong
tái cơ cấu thì DN vẫn sẽ gặp không ít khó khăn về tài chính. Ông Đa tính toán,
nếu số lãi vẫn chỉ ở mức khiêm tốn dưới 100 tỷ đồng như năm 2014, phải mất hơn
7 năm nữa VNSteel mới xóa xong lỗ luỹ kế của 2 năm vừa qua và không còn con
đường nào khác là DN phải đi lên mạnh mẽ và có bước đột phá hơn trong năm 2015.
Liên quan đến sức ép cạnh tranh
với thép NK khi các FTA được ký kết và có hiệu lực, ông Trần Tuấn Dương, TGĐ
Tập đoàn Hòa Phát cho rằng Hiệp hội Thép Việt Nam nên theo dõi sát diễn biến
của các FTA, đồng thời tổ chức các diễn đàn phổ biến cho các DN thép biết lộ
trình hội nhập, lộ trình cắt giảm thuế như thế nào bởi điều này rất quan trọng
đối với DN trong cả ngắn và dài hạn.
Để vượt qua khó khăn, nhiều ý kiến
cho rằng bên cạnh sự nỗ lực của DN, các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ
Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường… cần đưa ra
các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp quản lý nhằm tạo ra thị trường thép cạnh
tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, trước tình trạng cung vượt cầu như hiện nay, các bộ
ngành chức năng nên tiếp tục rà soát các dự án thép nhằm loại bỏ các dự án đầu
tư không hiệu quả, tránh đầu tư tràn lan gây mất cân đối cung cầu thép trong
nước.