SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vai trò của Hàng rào Kỹ thuật đối với sự phát triển của doanh nghiệp dân doanh

[11/02/2015 09:50]

Kỳ I. Hàng rào Kỹ thuật trong Thương mại

Năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp trong nền kinh tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cấu thành, đó là:  năng lực vốn của doanh nghiệp, năng lực quản lý và điều hành của doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, năng lực nghiên cứu thị trường và lựa chọn thị trường mục tiêu, năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới (R&D), năng lực công nghệ và nhân lực trong các doanh nghiệp. Một doanh nghiệp hội tụ đầy đủ  các yếu tố trên sẽ có khả năng cạnh tranh cao trong nền kinh tế toàn cầu.

Khi tham gia vào thương mại quốc tế, từng doanh nghiệp sẽ phát huy được những thế mạnh của mình và tận hưởng được những lợi thế từ thị trường thế giới; nhưng mặt khác, những mặt yếu  kém và bất lợi của từng doanh nghiệp cũng sẽ được bộc lộ. Muốn duy trì và phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp buộc phải cung ứng ra thị trường những sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ mà thị trường cần chứ không phải chỉ đưa ra những sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ mà doanh nghiệp có thể sản xuất hay đáp ứng. Để đẩy mạnh hợp tác và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp cần phải vượt qua được hai rào cản lớn, đó là: hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan. Hàng rào thu ế quan là biện pháp mà Tổ chức Thương mại Thế giới cho phép các nước sử dụng để bảo hộ thị trường trong nước nhưng phải cam kết ràng buộc với một mức thuế trần nhất định và có lịch trình cắt giảm. Còn hàng rào phi thuế quan, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt  là do trình độ phát triển kinh tế không đồng đều, các nước đều duy trì và khai thác các rào cản thương mại nhằm bảo hộ sản xuất nội địa của mình. Mức độ cần thiết và lý do dẫn đến việc bảo hộ sản xuất nội địa của mỗi nước khác nhau, đối tượng bảo hộ cũng khác nhau dẫn đến các hàng rào phi thuế quan ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp.

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại là một trong các hàng rào phi thuế quan, liên quan tới việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo cung cấp cho thị trường những sản  phẩm và hàng hoá có chất lượng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Mỗi một quốc gia đều cần thiết xây dựng và duy trì cho mình một hàng rào kỹ thuật hợp pháp để đảm bảo an toàn và sức khoẻ cho con người, vật nuôi, cây trồng, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia, chống gian lận thương mại v.v…. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những hàng rào kỹ thuật được dựng lên để hạn chế thương mại của các nước khác hoặc mang tính phân biệt đối xử như dành ưu đãi cho nước này song lại khắt khe với nước khác, nới lỏng quản  lý đối với hàng hoá trong nước song lại quản lý chặt chẽ với hàng nhập khẩu v.v…. Những hàng rào như vậy thực sự trở thành rào cản đối với thương mại quốc tế và trái với các nguyên tắc của thương mại tự do mà Tổ chức Thương mại Thế giới đã đề ra.

Để loại bỏ các rào cản kỹ thuật trong thương mại, Tổ chức Thương mại Thế giới (gọi tắt là WTO) đã sử dụng Hiệp định về Hàng rào Kỹ thuật trong Thương mại (gọi tắt là Hiệp định TBT) như là một luật chung để điều chỉnh các hoạt động về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp giữa các thành viên của WTO. Các nước khi gia nhập WTO đều phải cam kết thực hiện Hiệp định TBT nhằm để tạo thuận lợi hoá và thúc đẩy thương mại. Về mặt lý thuyết thì tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp đều không phải là rào cản kỹ thuật đối với thương mại, nhưng trên thực tế thì chúng đều có thể trở thành các rào cản đối với thương mại và các nước đã sử dụng các biện pháp này một cách rất tinh vi để bảo  hộ nền sản xuất trong nước. Rào cản đối với thương mại là những biện pháp mà quốc gia nhập khẩu tạo ra để cản trở doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá, thậm chí là không thể xuất khẩu hàng hoá hay dịch vụ vào nước đó. Những biện pháp như vậy được xem là không được chấp nhận trong bối cảnh thương mại thế giới, vì chúng làm hạn chế sự lưu thông của hàng hoá và dịch vụ, nâng giá thành và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Từ 11/01/2007, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và bắt đầu thực hiện các cam kết gia nhập WTO  của mình, trong đó có cam kết kết thực thi toàn bộ các nghĩa vụ của Hiệp định TBT. Thực thi Hiệp định TBT, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp dân doanh nói riêng có cơ hội để phát triển thương mại của mình, song cũng phải đối mặt với các thách thức về nhiều mặt để có thể tiếp tục duy trì và hơn thế đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần có hiểu biết đầy đủ về Hiệp định TBT để đưa ra các biện pháp mà doanh nghiệp cần tiến hành và vượt qua trong việc xây dựng chiến lược sản phẩm, lựa chọn công nghệ sản xuất, quản lý doanh nghiệp và đặc biệt là quản lý chất lượng, tiếp cận các nguồn lực thông tin về thị trường và sản phẩm.

Các mục tiêu cơ bản của Hiệp định TBT là: Thúc đẩy các mục tiêu của Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT); Khẳng định và thừa nhận tầm quan trọng của tiêu chuẩn quốc tế và các hệ thống quốc tế về đánh giá sự phù hợp trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh do anh thương mại; Đảm bảo rằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp không gây ra các trở ngại cho thương mại quốc tế; Đồng thời không ngăn cản các nước áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu, b ảo vệ sức khoẻ, an toàn cuộc sống của con người, động thực vật, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại, đảm bảo an ninh quốc gia; Loại bỏ các rào cản kỹ thuật không phù hợp với các nguyên tắc thương mại tự do của WTO nói chung và nêu trong Hiệp định TBT nói riêng.

Phạm vi của Hiệp định TBT bao gồm: Bảo vệ an toàn hoặc sức khoẻ của con người; Bảo vệ đời sống hoặc sức khoẻ của động vật và thực vật; Bảo vệ môi trường; Ngăn ngừa những tập quán lừa dối, gian lận thương mại; Và các phạm vi khác như quy định  về chất lượng, hài hoà kỹ thuật hoặc đơn giản hoá thương mại v.v…

Hiệp định TBT được áp dụng tại cấp độ xã hội khác nhau như: chính phủ trung ương, chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ. Theo Điều 1.3 của Hiệp định TBT thì tất cả các sản phẩm, bao gồm sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp đều là đối tượng thi  hành các điều khoản của Hiệp định TBT. Như vậy, căn cứ vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Hiệp định có thể thấy rằng những lĩnh vực và vấn đề mà Hiệp định đề cập tới rất rộng, không chỉ đối với những quy trình liên quan trực tiếp đối với sản phẩm mà  còn cả những quy trình không liên quan trực tiếp đối với sản phẩm. Ví dụ như: việc chứng nhận môi trường, ghi nhãn sinh thái v.v…

Các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định TBT là: Tránh sự cản trở không cần thiết cho thương mại; Không phân biệt đối xử; Nguyên tắc hài hoà tiêu chuẩn;Nguyên tắc tương đương của các quy chuẩn kỹ thuật; Thừa nhận lẫn nhau trong các quy trình đánh giá sự phù hợp và Tính minh bạch hoá.

Kỳ II. (tiếp theo)

Theo tbtvn.org (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ