DN chưa chuẩn bị tốt tâm thế để hội nhập
Việt Nam là nền kinh tế đi tiên phong trong quá trình hội nhập quốc tế và đã gặt hái được những thành quả nhất định. Thế nhưng việc tận dung những cơ hội mang lại từ hội nhập không như mong muốn, mà một trong những nguyên nhân là vì thiếu sự chuẩn bị.
Sắp tới đây, ngay trong năm 2015
này, Việt Nam có thể ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) quan
trọng như FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA với
Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazachstan, Hiệp định Thương mại tự do với
EFTA bao gồm các nước nhỏ nhưng giàu có gồm Thụy Sỹ, Na Uy, Lichtenstein và
Iceland và quan trọng hơn cả là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
và cuối năm 2015 là Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực.
Những nỗ lực hội nhập của Việt
Nam hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn và thúc đẩy cải cách môi
trường kinh doanh. Đặc biệt, hai FTA kiểu mới là TPP và FTA Việt Nam - EU
bao gồm nhiều cam kết với đòi hỏi rất cao về cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp
nhà nước, lao động và công đoàn, sở hữu trí tuệ, môi trường v.v. mà các cơ
quan nhà nước và doanh nghiệp phải nỗ lực rất cao để thực hiện.
Sau khi trở thành thành viên WTO
đầu năm 2007, thay vì dồn sức vào việc cải cách bộ máy, nâng cao trình độ quản
lý của cán bộ, nhân viên, thực thi nghiêm túc các cam kết, đầu tư vào khoa
học-công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, chúng ta đã cho phép các tập đoàn
kinh tế nhà nước đa dạng hóa kinh doanh, đẩy một dòng vốn cực lớn vào đầu cơ
đất và bất động sản, đẩy giá bất động sản lên rất nhanh, đầu cơ chứng khoán,
đầu tư vào các ngân hàng thương mại, công ty tài chính lớn nhỏ v.v.
Chính quyền các địa phương cũng
chạy theo tăng trưởng về số lượng với bất kỳ giá nào bằng cách "lạm
phát" đầu tư công, khai thác tối đa chênh lệch giá đất, rừng, biển, mỏ
khoáng sản, mở ra một thời kỳ kinh doanh bằng "quan hệ" với sự tham
gia tích cực của cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Kết quả là lạm phát tăng cao,
đồng tiền mất giá, thâm hụt thương mại tăng vọt, xuất khẩu chủ yếu dựa vào
doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước chậm thay
đổi, ít có mặt hàng mới, tăng trưởng kinh tế chậm lại, hiệu quả đầu tư và năng
suất lao động giảm sút. Lợi ích nhóm chi phối không ít quyết định đầu tư, đấu
thầu và các quyết sách lớn nhỏ khác. Chất lượng nhiều văn bản chính sách thấp,
thiếu tính dự báo trước và thiếu sự phối hợp với nhau. Chưa hết, các cam kết
tham khảo ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trước khi ban hành chưa được thực hiện
đầy đủ và nghiêm túc.
Cách tiếp cận hội nhập như vậy
rõ ràng đã không góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực
cạnh của doanh nghiệp. Vị trí của Việt Nam trong các bảng xếp hạng về môi
trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn
cầu (GCI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), về chỉ số cảm nhận tham nhũng
(PCI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tiếp tục ở mức thấp, dưới trung bình
và chậm cải thiện.
Điểm nổi bật là sự thiếu chuẩn
bị của doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh
nghiệp tư nhân trong khi doanh nghiệp là đội quân chủ công, chiến đấu trong quá
trình hội nhập này. Số doanh nghiệp có nỗ lực đổi mới, chủ động đầu tư để nâng
cao năng lực cạnh tranh chỉ là số rất ít.
Nhiều doanh nghiệp vẫn bị mắc
kẹt trong thị trường bất động sản, không ít doanh nghiệp vẫn tìm kiếm chênh
lệch giá qua chênh lệch địa tô, khai thác tài nguyên. Một số doanh nghiệp thành
đạt một thời, đã gây dựng được thương hiệu, mới đây đã nhượng lại quyền kinh
doanh, bán cổ phần, nhượng lại thương hiệu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Rõ ràng, doanh nghiệp dân doanh
đang suy yếu và phân tâm, chưa chuẩn bị tốt tâm thế cho công cuộc hội nhập sâu
rộng và mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước ta. Theo điều tra của VCCI, có đến trên
60% doanh nghiệp chưa nắm được nội dung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các FTA
sắp được ký kết và sẽ có hiệu lực. Nhiều hiệp hội đang khá lúng túng trong công
tác chuẩn bị cho hội nhập.
Trong khi đó, thách thức sẽ ập
đến ngay khi các cam kết có hiệu lực, doanh nghiệp nước ngoài đã chuẩn bị sẵn
sàng để tràn vào thị trường nước ta, trong khi cơ hội xuất khẩu đòi hỏi các
doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực quản trị, hiểu biết thị trường,
nâng cao trình độ khoa học-công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực để gia
nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
Nông nghiệp, thủy sản cũng đứng
trước những cơ hội và thách thức rất lớn, đòi hỏi phải tái cơ cấu sản xuất, đào
tạo và đào tạo lại nông dân, ngư dân để thực hiện các yêu cầu về vệ sinh an
toàn thực phẩm, tăng cường chất lượng rau quả, con cá, con tôm.
Trong thế giới hội nhập cạnh
tranh gay gắt này, để đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển xanh, sạch,
bền vững dựa trên năng suất, hiệu quả, tiến bộ khoa học-công nghệ, chúng ta rất
cần kế hoạch hành động cụ thể, huy động được sự tham gia của toàn thể cộng đồng
doanh nghiệp, nông dân, ngư dân.
Theo trungtamwto.com.vn (Duc Luu)