Gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015
Sáng nay (12/5), lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015. Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam lần thứ 2 - ngày 18/5.
Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh cùng các nhà sáng chế không chuyên
tiêu biểu năm 2015. Ảnh: H. T
Bộ KH&CN cho biết, năm 2015, lần đầu tiên tổ chức Gặp mặt các nhà
sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu với mục đích khẳng định và đề cao vai
trò, vị thế của các nhà sáng chế không chuyên trong quá trình xây dựng và phát
triển đất nước. Đồng thời, phát hiện và tôn vinh những nhà sáng chế không
chuyên và sản phẩm độc đáo, hiện thực hóa và kết nối các phát minh trong cuộc
sống nhằm khuyến khích sự sáng tạo, những phát kiến xuất sắc của người Việt
Nam, đóng góp tích cực cho đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ KH&CN tới buổi Gặp mặt các nhà sáng chế không
chuyên tiêu biểu do Bộ KH&CN tổ chức. Ảnh: H. T
Tham dự vào chương trình Gặp mặt lần này có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính
phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và
nhiều đại diện đến từ các cơ quan, bộ ngành. Đặc biệt là 63 nhà sáng chế không
chuyên nghiệp, đại biểu tiêu biểu của phong trào quần chúng nhân dân sáng
tạo được tôn vinh, tham gia vào chương trình.
Họ là những nhà khoa học không chuyên xuất sắc từ mọi miền của Tổ quốc.
Họ có ý tưởng sáng tạo, dám mơ những giấc mơ lớn và lao động cật lực để biến
những giấc mơ đó trở thành hiện thực.

Ủy viên
Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại chương trình Gặp mặt các
nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015. Ảnh: H. T
Các sáng chế sáng tạo được tôn vinh lần này thuộc các lĩnh vực: công
nghệ thông tin; điện tử viễn thông; cơ khí chế tạo tự động hóa, xây
dựng, giao thông vận tải; Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông, lâm, diêm, ngư
nghiệp, tài nguyên và môi trường; Y dược.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao
những sáng tạo, sáng chế của các nhà sáng chế không chuyên. Gần đây nhất, Chính
phủ đã ban hành Nghị định 13/2012 về điều lệ sáng kiến. Trong đó đã quy định về
mặt pháp lý tất cả các hoạt động liên quan đến sáng kiến, cải tiến của người
dân, kể cả các sáng kiến ở trình độ cao, chúng ta thường gọi là các sáng chế.

Quang cảnh buổi Gặp mặt các nhà sáng chế
không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015
"Để những người có các sản phẩm sáng tạo, có thể được Nhà nước hỗ
trợ, hưởng các lợi ích từ sản phẩm đem lại và đảm bảo quyền lợi cho tất cả các
bên, trong có những người làm sáng chế không chuyên. Vì thế, lần đầu tiên Bộ
KH&CN tổ chức buổi gặp mặt này, để các nhà sáng chế báo cáo lãnh đạo Chính
phủ những kết quả hoạt động của mình và những nguyện vọng, mong muốn, tâm tư
của những người làm sáng chế không chuyên để các cơ quan nhà nước có những chính
sách phù hợp, đáp ứng, hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên", Bộ trưởng
Nguyễn Quân cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại chương
trình Gặp mặt
Trong thời gian qua, phong trào sáng tạo trong quần chúng nhân dân được
phát triển rất mạnh mẽ tại các địa phương. Họ là những người nông dân, người
thợ, người lao động bình thường chưa từng qua các trường lớp đào tạo chuyên môn
kỹ thuật nào. Nhưng với ý tưởng sáng tạo và mong muốn cải thiện đời sống,
phương tiện làm việc, họ đã có những sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật
được ứng dụng vào thực tiễn đời sống, giúp ích rất lớn cho việc cơ giới hóa sản
xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tiêu biểu như sáng tạo
lò sấy lúa hai chiều của ông Quách Văn Hán (Sóc Trăng), máy gặt lúa rải hàng
cải tiến của ông Nguyễn Kim Chính (Bình Định), …

Thủ tướng và các đại biểu nghe chia sẻ của
các nhà sáng chế không chuyên về sáng tạo và cống hiến của họ
Buổi gặp mặt không chỉ nhằm tôn vinh trí tuệ và năng lực sáng tạo của
quần chúng, khuyến khích và cổ vũ niềm đam mê lao động, sáng tạo trong các tầng
lớp nhân dân mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và
Chính phủ đối với KH&CN nói chung cũng như hoạt động sáng tạo của quần
chúng nhân dân nói riêng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng và các đại biểu nghe chia sẻ của
các nhà sáng chế không chuyên về sáng tạo và cống hiến của họ
Những nhà sáng chế không chuyên tham dự buổi gặp mặt hôm nay là các
gương mặt tiêu biểu đại diện cho trí tuệ và sức sáng tạo của quần chúng nhân
dân trên khắp cả nước. Lực lượng này đã đóng góp cho cộng đồng và xã hội nhiều
sản phẩm có giá trị, từ các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp: Máy
sạ hàng, máy gặt đập, máy tuốt lúa... đến những sản phẩm có kết cấu phức tạp,
có thể ứng dụng trong những lĩnh vực đặc biệt như nâng hạ... Nhiều sản phẩm
trong số đó đã được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng
công nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nhận thức rõ vai trò của quần chúng trong
nghiên cứu ứng dụng nghiên cứu khoa học, Bộ KH&CN đã tạo môi trường thuận
lợi cho sáng kiến của quân chúng nhân dân. Bộ đã hỗ trợ áp dụng sáng kiến lần
đầu, công bố sáng kiến có khả năng áp dụng. Bộ cũng đã phối hợp với các bộ
ngành hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên trong cả nước. Hỗ trợ các nhà sáng
chế không chuyên tham gia các hội chợ KH&CN. Năm 2005 có 14 nhà sáng chế
không chuyên tham gia, đến 2015 có 20 nhà sáng chế không chuyên tham gia. Một
số sản phẩm đạt cúp vàng giới thiệu đến đại chúng. Hỗ trợ cá nhân thành lập doanh
nghiệp KH&CN; nhiều nhà sáng chế không chuyên chuyển giao, hợp tác hoặc
thành lập doanh nghiệp để ứng dụng thành công các sáng chế khoa học. Thành quả
của các nhà sáng chế cho thấy thành quả của nhân nhân rất đáng trân trọng. Sắp
tới Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ sáng chế quần chúng bằng nguồn kinh phí của
nhà nước. Bài học thành công của các quốc gia cho thấy yếu tố con người đóng
vai trò quyết định. Đối với Việt Nam, tinh thần đổi mới sáng tạo càng được thấm
nhuần, cần được động viên mạnh mẽ có như vậy mới là điểm tựa cho công cuộc CNH-
HĐH đất nước.
Chia sẻ của nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu:
Nhà sáng chế Đào Viết Thoàn - Thái Bình: Sản
xuất thuốc chữa bỏng, hút mỡ sinh cơ chữa bỏng, viết thương lâu liền. Ông Thoàn
cho biết, mình là thương binh 1/4, trải qua nhiều đau đớn của bản thân, mỗi khi
thay băng vết thương dính lại làm cơ thể đau đớn. Đi bệnh viện nhiều lần và một
lần được gặp sư cụ Thích Đàm Lương - người đã truyền lại bài thuốc cổ truyền,
giảm đau cho người bệnh. Từ đó ông Thoàn mày mò, sáng tạo ra bài thuốc hút mủ,
tái tạo da.
"Năm 1997 về gia đình, tôi đã bào chế thành công thuốc ứng dụng tự
chữa vết thương cho mình. Thuốc tốt, mát, êm dịu, mỗi khi thay băng, không bị
dính, không ảnh hưởng đến tế bào mới liền", ông Thoàn cho biết.
Cũng theo ông Thoàn, ông đã chữa cho 24.000 bệnh nhân cả nước lành các
vết thương mà không có biến chứng nào. Chữa miễn công cho hơn 8.000 đối tượng
đặc biệt. Với những nỗ lực, ông Thoàn đã được tặng nhiều giải thưởng, phần
thưởng cao quý của lãnh đạo Trung ương, Bộ ngành và địa phương.
Nhà sáng chế Nguyễn Tấn Biền - Khánh Hòa: Sáng chế ra máy tách các loại vỏ đậu. Ông Biền cho biết, là một nông
dân, sản xuất ra các lọa cây mía, bắp đậu... Qua nhiều kinh nghiệm thấy cây đậu
xanh cho hiệu quả hơn nhưng mất nhiều công sức lao động.
Ông Biền kể, mới đầu cho đậu vào bao dùng chân dậm nhưng không hiệu
quả. Từ đó ông ấp ủ ý định làm sao để tách vỏ hiệu quả nhất. Cuối cùng, ông đã
sản xuất ra máy tách vỏ đậu với sự kết hợp từ mô tơm quạ gió và cối giã đã cho
hiệu quả cao trong việc tách vỏ đậu.
Sáng chế của ông Biền đã được Hội nông dân giới thiệu trong các cuộc
thi. Đến nay đã có nhiều địa phương đặt mua về bóc tách hạt đậu. Máy này giá
rẻ, chỉ 7.500.000 đồng.
Ông Biền kiến nghị, có sự liên kết 4 nhà để máy móc của chúng tôi đến
được với nhiều vùng, nhiều nhà trên cả nước.
Nhà sáng chế Lê Văn Trung - Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Thành Lợi:
Ngày đầu tiên mới thành lập hợp tác xã gặp rất
nhiều khó khăn trong đó có khó khăn về hạt giống. Trong 2 năm đầu, Hợp tác xã
liên kết với công ty tại TP. HCM cung ứng hạt giống đậu bắp xanh và bao tiêu
giá cho nông dân trong hợp tác xã nhưng lợi nhuận không cao do hạt giống kém
chất lượng, dẫn đến năng suất thấp. Hợp tác xã phải phụ thuộc vào Công ty đầu
tư hạt giống.
"Tôi luôn trăn trở, băn khoăn khi Hợp tác xã rơi vào thế bị động
về hạt giống. Sau nhiều năm trăn trở, lai tạo rồi trồng thử nghiệm qua nhiều
vụ, qua 2 năm với kinh nghiệm học hỏi được và lòng kiên trì của mình tôi đã tạo
ra được giống đậu bắp xanh tốt, kháng sâu bệnh, cho năng suất cao và được thị
trường ưa chuộng chấp nhận", ông Trung chia sẻ.
Cũng theo ông Trung, bài học rút ra được sau những nỗ lực nghiên cứu,
sáng tạo là Hợp tác xã liên hệ với Sở KH&CN tỉnh Vĩnh Long, truy cập trên
mạng internet, cung cấp thông tin, những tiến bộ khoa học và kỹ thuật cho nông
dân. Hợp tác xã chủ động dịch vụ cung ứng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực
vật kịp cho sản xuất. Nghiên cứu thị trường, chọn giống phù hợp, kháng sâu,
bệnh, cho ăng suất cao, cung cấp miễn phí cho nông dâ, xã viên.
Hiện nay, hằng năm hợp tác xã đã cung ứng hàng trăm tấn đậu bắp cho thị
trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản.
"Qua buổi gặp súc động này, tôi mong muốn được đề xuất với Nhà
nước và với Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tổ chức cuộc gặp gỡ để chúng tôi
có dịp trao đổi kinh nghiệm, hình thành trang thông tin điện tử để Hội những
nhà sáng chế không chuyên nghiệp có thể giao lưu và cung cấp kinh nghiệm trong
các hoạt động sáng tạo", Nhà sáng chế Lê Văn Trung nói thêm.
Nhà sáng chế Quách Ba - Kiên Giang: Sáng chế ra máy gặt đập liên hợp.
Ông Ba cho biết, hầu hết những người làm nghề đều chọn cho mình những công
việc yêu thích hay chọn cho mình một người để hâm mộ. Khi bắt đầu nghiên cứu
một sáng chế tôi phải buộc mình hiểu các tính năng, nhu cầu, mục đích sử dụng
của nó, sau mới là hình thức bên ngoài.
"Máy gặt đập liên hợp giúp ít hao tổn sản xuất, sử dụng trong
nhiều điều kiện môi trường khó khăn, năng suất sản xuất cao...", ông Ba
cho biết.