Vì sao doanh nghiệp chưa 'mặn mà' chống hàng giả?
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp (DN) không chỉ vất vả lo sản xuất, kinh doanh mà còn phải tốn nhiều công sức, tiền của để đối đầu với các loại hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên trừ một số ít DN có vốn đầu tư nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào cuộc chiến chống hàng giả đến cùng, số đông DN còn lại thường tự vệ yếu ớt hoặc chấp nhận sống chung với hàng giả.
Lực lượng quản lý thị trường lập biên bản một cơ sở bán máy tính casio giả.Tại thị trường TP Hồ Chí Minh hiện nay, người tiêu dùng dễ dàng nhận ra
nhiều mặt hàng bán chạy, nhất là hàng hóa có thương hiệu, đã bị làm giả, nhái
nhãn hiệu. Hàng giả trước đây thường bán lét lút, bán ở những vùng sâu, vùng
xa, khu chợ bình dân, nhưng nay đã bạo dạn bán công khai, xuất hiện cả trong
một số siêu thị, trung tâm thương mại cao cấp.
Tiến hành kiểm tra các trung tâm thương mại trên địa bàn trong tháng
5-2015, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 43 vụ
buôn bán hàng giả, xâm phạm nhãn hiệu Chanel, Gucci, Lacoste, LV, Nike,
Adidas... Lực lượng QLTT cũng đã phát hiện 720 vụ vi phạm về hàng hóa và hàng
chục nghìn sản phẩm quần áo, mỹ phẩm, rượu, sữa, đồng hồ, điện thoại di động...
là hàng giả, nhái nhãn hiệu.
Công ty xuất nhập khẩu Bình Tây (quận 6) là nhà phân phối độc quyền máy
tính Casio và hàng chục năm nay, nhân viên DN này luôn vất vả với việc chống
hàng giả. Chỉ riêng năm 2014, Công ty xuất nhập khẩu Bình Tây tổ chức kiểm tra
110 vụ vi phạm trên cả nước, đã phát hiện 10.327 máy tính Casio giả nhãn hiệu,
trị giá gần 400 triệu đồng. Trong năm tháng đầu năm 2015, cùng với các cơ quan
chức năng, DN này đã phát hiện và xử lý 30 vụ kinh doanh máy tính Casio giả,
tịch thu 1.517 chiếc. Ông Phan Văn Liêm, cán bộ phụ trách nhãn hiệu Công ty
xuất nhập khẩu Bình Tây cho biết, hằng năm, DN đều dán tem chống hàng giả lên
từng sản phẩm, phát tờ rơi, dán thông báo để khuyến cáo khách hàng, nhưng vẫn
không thể triệt phá hết được hàng giả nhãn hiệu của công ty.
Từ năm 2011 đến năm 2013, Công ty Unilever Việt Nam đã phát hiện 760 vụ
hàng giả nhãn hiệu của công ty, trị giá hàng vi phạm gần 10 tỷ đồng. Tại Bình
Định mới đây, Công ty Unilever đã phát hiện hơn bảy tấn bột ngọt, bột nêm giả
nhãn hiệu A-One, Knorr, Orsan của công ty. Ông Mai Hòa Việt, Phó Chủ tịch Hiệp
hội chống hàng giả các công ty nước ngoài (VACIP), Trưởng ban an ninh Công ty
Unilever Việt Nam cho biết, các cơ quan chức năng xác định hàng giả, nhái nhãn
hiệu đang bày bán trên thị trường Việt Nam được làm trong nước và nhập khẩu.
Riêng hàng giả, hàng nhái nhập khẩu, đến 90% có xuất xứ từ Trung Quốc.
Đáng chú ý là đã hình thành những ổ nhóm, đường dây để sản xuất, phân
phối hàng giả rất tinh vi và ngay cả tem chống giả cũng bị làm giả. Đại diện
Công ty Cadivi cho biết, gần đây, người tiêu dùng đã phát hiện dây cáp điện của
Cadivi bị làm giả, nhái nhãn hiệu. Chưa hết, các đối tượng còn làm giả cả tem
nhãn nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng trong quá trình xuất khẩu.
Để chống hàng giả, hàng nhái thương hiệu, một số DN như Unilever, Bình
Tây, Diageo Việt Nam, Cadivi... đã chủ động hợp tác chặt chẽ với các cơ quan
chức năng, trong đó có các cơ quan truyền thông. Nhưng cũng có nhiều DN lại
không chọn giải pháp này khi cho rằng việc công khai thông tin sản phẩm của
công ty bị làm giả có thể khiến người tiêu dùng không lựa chọn sản phẩm chính
hãng nữa (? ).
Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ
Chí Minh cho biết, gần đây đã có một số vụ người tiêu dùng phát giác hàng giả,
hàng nhái đến khiếu nại, nhưng liên hệ với nhà sản xuất có sản phẩm bị làm giả
năm lần bảy lượt, họ đều không đến.
Tại sao DN lại không mặn mà với việc chống hàng giả, hàng nhái?
Một số DN từng bị hàng giả, hàng nhái quấy phá cho biết, do việc chống
hàng giả, hàng nhái vất vả, tốn kém nhưng hiệu quả thu được rất thấp. Một chủ
DN sản xuất hóa mỹ phẩm ở quận Tân Bình chia sẻ, để có cơ sở xử lý một vụ hàng
giả, hàng nhái, nhân viên công ty phải ăn chực nằm chờ cùng với cơ quan chức
năng hai ba tháng trời mới bắt giữ được. Nhân chứng, vật chứng có đủ nhưng do
quy trình xử phạt, kể cả xử lý hình sự , diễn ra chậm (do phải hợp tác cùng với
nhiều cơ quan chức năng về giám định, kiểm tra... ) và kết quả xử lý thường nhẹ
nên không đủ sức răn đe. Một DN may mặc ở quận 3 cho rằng, kết quả xử lý về
hàng giả, hàng nhái hiện nay chỉ giải quyết được phần ngọn, mà chưa chặt đứt
được phần gốc nên DN nản chí.
Để chống hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, một số DN đã không ngừng cải
tiến, đổi mới công nghệ, đăng ký và sử dụng tem hợp quy, tem chống hàng giả, mã
số, vạch in trên tem nhãn sản phẩm được chế tạo tinh xảo, khó bị làm giả. Hiện
tại, đã có khoảng 500 DN dùng tem chống hàng giả của Công ty cổ phần Phát triển
khoa học công nghệ Vina CHG (quận 12), được xem là giải pháp chống hàng giả hữu
hiệu. Tuy vậy, hàng nghìn DN hiện vẫn đang chấp nhận sống chung với hàng giả,
hàng nhái và không có một biện pháp nào để tự vệ trước vấn nạn này.