Tăng cường chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ
Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam và các doanh nghiệp hội viên cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ để công tác đấu tranh chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả cao. Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Cần tăng cường bảo vệ thương hiệu Việt
Công tác đấu tranh
chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trong thời gian qua đã được Chính phủ
đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đạt những kết quả tích cực, góp phần ổn định kinh
tế xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình
hình buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến
phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, đến uy tín,
lợi ích của doanh nghiệp.
Để công tác đấu
tranh chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ có kết quả, Phó Thủ tướng yêu cầu
Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cần chủ động, tích cực
phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng
giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện
tốt các yêu cầu, nhiệm vụ Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày
9/6/2015 về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương
mại và hàng giả trong tình hình mới; nhận thức rõ nhiệm vụ chống sản xuất, buôn
bán hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan
chức năng mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trực tiếp của Hiệp hội,
của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hiệp hội Chống hàng
giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cần đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm
trong bảo vệ thương hiệu Việt Nam thông qua phối hợp, trao đổi, cung cấp thông
tin về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ cho các lực lượng chức năng đặc biệt là
thông qua đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; tích cực phối hợp với
các cơ quan thông tin, truyền thông phổ biến chính sách, pháp luật của nhà nước
liên quan đến công tác phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm sở
hữu trí tuệ; góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về hàng giả và sở hữu trí
tuệ.
Các doanh nghiệp hội
viên cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật trong quản lý
chất lượng sản phẩm, về quyền sở hữu trí tuệ; thực hiện đăng ký kiểu dáng công
nghiệp, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất; tổ chức phân
phối và thiết lập cơ chế kiểm soát hàng hóa trong hệ thống nhằm tránh hàng giả,
hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; chủ động phối hợp với cơ quan quản
lý nhà nước trong phát hiện và xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng
và vi phạm sở hữu trí tuệ.
www.truyenthongkhoahoc.vn (ttncac)