SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Lễ kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Cục Sở hữu trí tuệ

[11/08/2015 11:14]

Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 33 năm thành lập (29/7/1982-29/7/2015). Tham dự Lễ kỷ niệm có ông Trần Văn Tùng, Bí thư Đảng uỷ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ qua các thời kỳ, ông Tomohiro Nishiyama, cố vấn trưởng Dự án “Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”, cùng toàn thể cán bộ công chức đã và đang công tác tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Cục Sáng chế, tiền thân của Cục Sở hữu trí tuệ ngày nay, được thành lập ngày 29/7/1982 khi Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định về việc tổ chức lại bộ máy của Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước. Trải qua 33 năm xây dựng và phát triển, đến nay Cục Sở hữu trí tuệ đã trở thành một đơn vị quan trọng của Bộ Khoa học và Công nghệ, với 350 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong 19 đơn vị trực thuộc và 2 văn phòng đại diện ở thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.

Khai mạc Lễ kỷ niệm, ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định: Sự ra đời của Cục Sáng chế, tiền thân của Cục Sở hữu trí tuệ ngày nay, là một dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Đến nay Cục Sở hữu trí tuệ đã phát triển vượt bậc và đã trở thành cơ quan đầu mối trong việc quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Những thành tích to lớn của Cục Sở hữu trí tuệ đạt được trong những năm qua đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận với nhiều Huân chương, Bằng khen, Cờ Thi đua của Chính phủ và của Bộ Khoa học và Công nghệ. Có được những thành tích nêu trên không thể không kể đến những đóng góp to lớn của các cán bộ, công chức, đặc biệt là các đồng chí nguyên là lãnh Cục Sở hữu trí tuệ qua các thời kỳ.

Cùng với sự chuyển mình của đất nước trong giai đoạn Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Cục Sở hữu trí tuệ đang có những đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập này, đặc biệt là sự tham gia tích cực của Cục trong các Đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định tự do thương mại (FTA) với EU và nhiều đối tác khác, trong đó sở hữu trí tuệ là một nhân tố hết sức quan trọng trên bàn đàm phán. Điều đó chứng tỏ một cách sinh động rằng sở hữu trí tuệ đang là một công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh những thành công là cơ bản, ông Trần Việt Thanh cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn tồn tại một số vấn đề yếu kém của Cục Sở hữu trí tuệ cần sớm được khắc phục như: công tác xử lý đơn còn chưa đúng hạn, chưa giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại, hệ thống công nghệ thông tin cũng như thư viện điện tử còn yếu, năng lực một số cán bộ trong Cục Sở hữu trí tuệ còn hạn chế, v.v.. Hơn ai hết Cục Sở hữu trí tuệ đã thấy rõ những hạn chế đó và đang phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí cao, tạo sức mạnh tập thể để tìm kiếm các giải pháp nhằm khắc phục những yếu kém nêu trên, trong đó quan trọng nhất là xây dựng một Chương trình quốc gia về sở hữu trí tuệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để định hướng phát triển cho toàn bộ hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam nói chung và Cục Sở hữu trí tuệ nói riêng, hướng đến việc tạo ra một ngành kinh tế có đóng góp đáng kể cho GDP, biến sở hữu trí tuệ thực sự trở thành tài sản quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Chương trình quốc gia về sở hữu trí tuệ nói riêng, khoa học và công nghệ nói chung phải đóng vai trò then chốt để tạo ra bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng với định hướng phát triển nêu trên, một loạt giải pháp cụ thể hướng đến đổi mới tổ chức và hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ cũng sẽ được triển khai như: xây dựng Đề án phát triển tổng thể Cục Sở hữu trí tuệ; Đề án nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị và xử lý đơn tại Cục; Đề án tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cục Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp và xã hội; hoàn thiện cơ chế xử lý đơn, tiến tới khắc phục triệt để tình trạng tồn đọng đơn; nâng cao vai trò quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của Cục.

Với các giải pháp nêu trên, Thứ trưởng Trần Việt Thanh tin tưởng rằng trong thời gian ngắn tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có những bước chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của mình, trở thành một Cơ quan sở hữu trí tuệ hiện đại trong khu vực, cũng như khẳng định được vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của xã hội.

image004.jpg

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 33 năm thành lập Cục Sở hữu trí tuệ.

Trong bài phát biểu của mình tại buổi Lễ, ông Trần Văn Tùng, Bí thư đảng uỷ Bộ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao những đóng góp của các cán bộ, công chức của Cục Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các đồng chí nguyên là lãnh đạo của Cục Sở hữu trí tuệ qua các thời kỳ. Ông chia sẻ rằng Cục Sở hữu trí tuệ và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng là hai đơn vị chủ chốt của Bộ gắn chặt với doanh nghiệp nhằm phát triển kinh tế của đất nước. Cục Sở hữu trí tuệ rất vinh dự là một trong hai đơn vị được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đặc biệt quan tâm. Ông nhất trí và tin tưởng rằng những giải pháp cụ thể mà Cục Sở hữu trí tuệ đề ra sẽ thực sự là bước đột phá trong sự phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung và Cục Sở hữu trí tuệ nói riêng.

Trong không khí long trọng của Lễ kỷ niệm, các ý kiến phát biểu của các đại biểu (ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng Bộ, ông Trần Việt Hùng – nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ) đều bày tỏ sự vui mừng về chặng đường 33 năm xây dựng và phát triển Cục Sở hữu trí tuệ. Với sự nỗ lực của lãnh đạo và các cán bộ, công chức của Cục Sở hữu trí tuệ và sự chỉ đạo sát sao của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ đã không ngừng lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Bế mạc Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Trần Việt Thanh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, cảm ơn sự phối hợp, hợp tác của các đơn vị trong Bộ, đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) cho trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của Cục Sở hữu trí tuệ những năm qua. Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ và toàn thể cán bộ, công chức sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, sớm khắc phục những yếu kém còn tồn tại xây dựng mối đoàn kết, nhất trí cao trong tập thể Đảng uỷ, Lãnh đạo Cục cũng như toàn thể cán bộ, công chức của Cục để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong thời gian tới.

www.noip.gov.vn (ttncac)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ