SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu cơ chế và giải pháp tăng cường hội nhập hoạt động khoa học và công nghệ của Việt Nam với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

[27/08/2015 09:01]

Trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày một gia tăng, hội nhập quốc tế được nhìn nhận là quá trình tìm kiếm lợi ích trong khuôn khổ hợp tác và cạnh tranh.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh những lợi thế có được do mở rộng quan hệ, tiếp thu kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước tiên tiến và các tổ chức quốc tế, các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) cũng gặp không ít khó khăn, thách thức về thị trường, vốn, trình độ quản lý, trình độ khoa học và công nghệ (KH&CN), buộc phải nhanh chóng đổi mới một cách toàn diện cả về phương thức lãnh đạo, quản lý, xây dựng định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để rút ngắn khoảng cách phát triển. Nhận thức được tính tất yếu hội nhập quốc tế đối với công cuộc phát triển đất nước, hầu hết các quốc gia đều tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Trong bối cảnh đó, hội nhập quốc tế về KH&CN đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong chính sách đối ngoại và chính sách phát triển KH&CN của mỗi nước và là một thành tố quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, một trào lưu phát triển, một hình thức quan hệ giữa các đối tác trên thế giới.

Đề tài “Nghiên cứu cơ chế và giải pháp tăng cường hội nhập hoạt động KH&CN của Việt Nam với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)” nằm trong chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KX.06/11-15 “Nghiên cứu và phát triển hội nhập quốc tế về KH&CN” do TS. Bạch Tân Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác nghiên cứu chính sách KH&CN làm chủ nhiệm được thực hiện từ năm 2012-2015 đã tổ chức nghiệm thu cấp nhà nước vào ngày 24/8/2015 tại Hà Nội.

Với mục tiêu tổng quát của đề tài là cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hình thành cơ chế và giải pháp nhằm tăng cường hội nhập hoạt động KH&CN của Việt Nam với ASEAN, mục tiêu cụ thể là (1) Xác định nội dung của cơ chế và giải pháp nhằm tăng cường hội nhập hoạt động KH&CN của Việt Nam với ASEAN; (2) Xác định lĩnh vực hội nhập về nghiên cứu khoa học của các tổ chức nghiên cứu và triển khai với ASEAN.

Tại buổi bảo vệ, TS. Sinh đã báo cáo các kết quả chính nổi bật của nhóm nghiên cứu trong thời gian qua gồm khung lý thuyết và phân tích năng lực hội nhập quốc tế về KH&CN nói chung và với các quốc gia ASEAN nói riêng, bao gồm các khái niệm về hội nhập quốc tế về KH&CN và hai nhóm tiêu chí đánh giá năng lực hội nhập quốc tế về KH&CN của Việt Nam ở cấp vi mô và vĩ mô. Dựa trên các tiêu chí đó Đề tài đánh giá năng lực hội nhập quốc tế về KH&CN của các nước thành viên ASEAN và đưa ra một số gợi suy cho Việt Nam trong nỗ lực tăng cường năng lực hội nhập về KH&CN với các nước ASEAN.

Không chỉ dừng ở phân tích năng lực hội nhập quốc tế KH&CN nói chung, đề tài đã lựa chọn 4 lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng hợp tác quốc tế với các nước ASEAN bao gồm: (1) nông nghiệp và thủy sản; (2) công nghệ sinh học; (3) điện tử và (4) dệt may để phân tích và đánh giá một số lĩnh vực liên quan đến hội nhập quốc tề về KH&CN. Đề tài đưa ra một số nội dung chủ chốt của hội nhập quốc tế về KH&CN: (1) thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo sự tương hợp và thừa nhận lẫn nhau giữa các quốc gia; (2) xây dựng quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp (ASEAN GAP); (3) Xây dựng hệ thống đo lường, kiểm định với trình độ KH&CN trang thiết bị vật chất và con người phù hợp; (4) xây dựng lực lượng quản lý kiểm định chất lượng hàng hóa dịch vụ; (5) Bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ và (6) phát triển nguồn nhân lực.

Asean 1.jpg

Đề tài đưa ra một số khuyến nghị chính về giải pháp nhằm tăng cường hội nhập quốc tế về KH&CN của Việt Nam: (1) Xây dựng kế hoạch hỗ trợ các nhà nghiên cứu khoa học làm việc và thực tập có thời hạn ở một số tổ chức nghiên cứu quốc tế trong nông nghiệp ở Việt Nam; (2) Xây dựng cơ chế đảm bảo tư cách thành viên và cơ chế tham gia đại diện trong các tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế trong đó có chế độ đóng phí thành viên hàng năm tham gia các tổ chức quốc tế; (3) Hình thành các hình thức tổ chức gắn kết các bên liên quan trong chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm thông qua các Trung tâm xuất sắc đối với một số sản phẩm ưu tiên quốc gia; (4) Hoàn thiện các định chế trung gian của thị trường công nghệ trong nông nghiệp và thủy sản theo hướng phù hợp với các định chế hiện hành ở các nước thành viên ASEAN và (5) Tái cấu trúc hệ thống khoa học, giáo dục và sản xuất tương thích với mô hình hoạt động của các nước ASEAN.

Đề tài cũng đề xuất một số yếu tố cần được xem xét khi xây dựng chương trình hợp tác quốc tế về KH&CN giữa các nước thành viên bao gồm: (1) Nguồn nhân lực và đầu tư cho KH&CN và kết quả đầu ra; (2) Năng lực nghiên cứu ở các viên và trường đại học; (3) Lĩnh vực nghiên cứu mạnh; (4) Điểm mạnh, tiềm năng và cơ hội trong ngành kinh tế - xã hội mà ờ đó KH&CN đóng vai trò quan trọng và (5) Tiềm năng cho các sản phẩm chính cho xuất khẩu.

Hội đồng đánh giá nghiệm thu đã đồng ý với các kết quả nghiên cứu của đề tài, các thành viên đã ghi nhận được những đóng góp khoa học của đề tài trong xây dựng cơ chế, giải pháp thúc đẩy hội nhập KH&CN của Việt Nam trong ASEAN./.

www.most.gov.vn(lntrang)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ