Doanh nghiệp Việt trước áp lực phòng vệ thương mại từ các thị trường
Chưa khi nào, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam lại chịu nhiều áp lực từ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu như hiện nay.
Ông Lê Văn Quang - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Phú cho
biết, trong 9 tháng đầu năm, mặt hàng tôm xuất khẩu của Minh Phú giảm gần 30%
so với cùng kỳ 2014. Trong đó thị trường Mỹ giảm gần 48%, Nhật giảm 20%, EU
giảm 18,5%.
Nguyên nhân xuất khẩu tôm sụt
giảm là do một số nước xuất khẩu trong khu vực phá giá mạnh đồng nội tệ. Điển
hình như Malaisia phá giá 33%, Ấn Độ 22%, Thái Lan 18%... Do đó, giá xuất
khẩu tôm của Việt Nam tại Nhật, Mỹ, EU đều cao hơn các nước khác khoảng 20%.
Ngoài khó khăn nêu trên, các DN xuất khẩu tôm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn
do phải đối mặt với hàng rào kĩ thuật của các nước xuất khẩu. Nhiều nước xuất
khẩu cố tình vi phạm các cam kết tại các Hiệp định song phương và đa phương để
bảo hộ cho hàng hóa trong nước gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu. Bên cạnh đó
cùng với việc giảm thuế theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do, hàng
loạt các rào cản kĩ thuật lại được đưa ra khiến cho DN xuất khẩu của Việt Nam
phải tốn thêm rất nhiều chi phí mới vào được thị trường.
Đồng quan điểm, ông Lê Phước Vũ
- Tổng giám đốc Công ty Tôn Hoa Sen, Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho
rằng, chưa bao giờ áp lực hội nhập đối với cộng đồng DN Việt Nam lại lớn như
bây giờ. Tất cả các khó khăn, thách thức đều diễn ra bất ngờ, khiến nhiều DN không
kịp trở tay. Bên cạnh việc phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh tại thị
trường trong nước, các DN còn phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ các thị
trường xuất khẩu do thị trường hàng hóa thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều nước
trên thế giới áp dụng các hành động phi thị trường để bảo hộ nền sản xuất
trong nước.
Dẫn chứng một cách cụ thể, ông
Vũ cho biết, thời gian qua mặt hàng thép mạ kẽm xuất khẩu vào Úc của công ty đã
bị kiện chống bán phá giá. Hoa Sen đã phải đấu tranh một thời gian dài để đòi
quyền lợi và phán quyết không bán phá giá tại thị trường này. Tuy nhiên, để có
kết quả này, công ty đã bị mất thị trường Úc trong 1 năm, điều này đã gây thiệt
hại không nhỏ cho DN. Ngoài Úc, chúng tôi đang bị kiện phòng vệ tại Indonesia
và Malaysia… Điều đáng nói là chi phí cụ thể cho mỗi vụ kiện khá tốn kém, vì
phải thuê luật sư; đi lại tham vấn với nước khởi kiện, bên cạnh đó, nhịp độ sản
xuất cũng bị rối loạn với những tổn thất không lường trước được.
Trên thực tế, không riêng Hoa
Sen mà nhiều DN thép Việt Nam đã liên tục phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ
thương mại của Indonesia, Thái Lan, Malaysia... Ngoài các vụ kiện nói trên, các
mặt hàng khác của Việt Nam như cá tra, dụng cụ đồ ăn... cũng liên tục bị khởi
kiện trong suốt thời gian qua.
Không thể phủ nhận, các Hiệp
định Thương mại Tự do (FTA) đã mở ra các cơ hội mới cho các ngành kinh tế, đặc
biệt là các ngành sản xuất hàng hóa, nhưng đồng thời cũng thu hẹp các công cụ
can thiệp chính sách truyền thống (biện pháp thuế quan, trợ cấp…) mà Chính phủ
các quốc gia có thể sử dụng nhằm hỗ trợ DN mình. Như một phản ứng tất yếu tức
thời, nhiều ngành sản xuất nội địa ở các thị trường nhập khẩu có xu hướng đổ
dồn sang sử dụng những công cụ vẫn còn được phép duy trì sau các FTA như phòng
vệ thương mại. Cùng với đó là những khó khăn nội tại của các nền kinh tế cũng
khiến cho tần suất sử dụng các công cụ này cao hơn, như là một đối sách để đối
phó với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
Để ứng phó với những khó khăn
mới này, nhiều DN cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn
nữa giữa các DN với Hiệp hội, ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước trong
công tác điều hành xuất khẩu và thâm nhập thị trường nước ngoài.
www.baocongthuong.com.vn (Duc Luu)