Đài Loan ‘dội gáo nước lạnh’, thị trường trà Việt lao đao
Đài Loan áp dụng hàng rào kỹ thuật quá khắt khe nhằm hạn chế nhập khẩu trà Việt Nam.
Hàng ngàn nông dân trồng trà ô long lao đao; hàng chục doanh nghiệp
xuất khẩu loại trà này “cửa đóng then cài”.
Đó là bức tranh buồn tại vùng sản xuất trà ô long nổi tiếng Việt
Nam.
Chặt trà ô long, trồng lan vũ nữ
Hàng ngàn hộ trồng trà ô long, trong đó gồm cả những tỉ phú giàu
lên nhờ loại trà này tại “vương quốc trà” của tỉnh Lâm Đồng như Đà Lạt, Bảo Lộc,
Bảo Lâm, Di Linh… đang lâm vào cảnh sống dở chết dở do không tiêu thụ được sản
phẩm.
Sau khi hàng loạt công ty thông báo ngưng mua, nhiều trang trại phải
vất vả tìm nơi bán trà với giá rẻ bèo. Trước đây trà ô long giá 25.000-30.000 đồng/kg,
nay chỉ còn 15.000 đồng/kg, thậm chí hơn 10.000 đồng/kg. Mức giá này quá thấp,
lỗ nặng nên nhiều người nhổ bỏ trà.
Anh Nguyễn Đức Quyết ở TP Bảo Lộc than vãn hiện nay trà ô long thu
hoạch từ 2 ha của gia đình phải bán trôi nổi với giá 15.000 đồng/kg, bằng một nửa
so với trước. “Trà ô long rất khó tính, đòi hỏi phải đầu tư, chăm sóc với chi
phí rất cao, thậm chí phải cho trà “ăn” cả những thứ cao cấp như sữa, mật ong…
Nếu cứ đà này, sắp tới tôi sẽ bỏ mặc để trà già, hái lá bán bằng giá trà bình
dân - trà cành, trà hạt”.
Về phía các doanh nghiệp, ông Liu Stung Ching, Chủ tịch HĐQT Công
ty Trà ô long Tứ Hải, ở TP Bảo Lộc, cho biết hiện công ty còn tồn kho khoảng 40
tấn. Đầu ra khó khăn nên công ty buộc phải ra thông báo hạn chế mua trà tươi từ
người dân.
Ông Ching bức xúc: “Việc xuất hiện tin đồn trà Việt Nam bị nhiễm độc
khiến nhiều người Đài Loan và Trung Quốc e ngại. Người tiêu dùng tại hai thị
trường này chỉ biết rằng trà Việt nói chung, không phân biệt trà ô long cao cấp
hay trà đen nên chúng tôi bị gặp vạ là điều đương nhiên”.
Do các đối tác phía Đài Loan đột ngột thông báo dừng mua trà làm
cho Công ty Fusheng ở TP Đà Lạt tồn kho tới 70 tấn trà ô long thành phẩm. Không
còn cách nào khác, công ty đành phải thông báo cho 28 hộ dân liên kết sản xuất
ngừng mua trà để chuyển một phần diện tích sang trồng hoa lan vũ nữ và hồ điệp.
“Chúng tôi đã tìm đủ cách nhưng vẫn chưa có đầu ra. Việc chúng tôi
chuyển kinh doanh một phần sang trồng hoa là quyết định khó khăn nhưng không
còn cách nào khác” - bà Lê Thanh Định, Phó Giám đốc công ty, ngậm ngùi.
Chết vì “bỏ hết trứng vào một giỏ”
Đài Loan mới đây bất ngờ đưa ra tiêu chuẩn: Hoạt chất fipronil
trên trà ô long chỉ được phép ở mức 0,002 ppm - gần như bằng 0. Tiêu chuẩn này
cao gấp nhiều lần mức chung của thị trường châu Âu và các thị trường khác
(0,005 ppm).
Bình luận về tiêu chuẩn này, ông Phạm S., Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng,
nói: “Đây là mức được xem là bằng 0. Theo tiêu chuẩn này, chỉ cần những vườn trồng
các loại cây khác từ ngoài vườn trà phun thuốc trừ sâu bay vào thì trà cũng bị
vượt ngưỡng dư lượng chất fipronil”.
Một số doanh nghiệp kinh doanh trà cho rằng việc Đài Loan áp dụng
hàng rào kỹ thuật quá khắt khe và vô lý như vậy là nhằm hạn chế nhập trà của Việt
Nam, ưu tiên ngành trà của họ. Nó chẳng khác nào "dội gáo nước lạnh"
vào ngành trà Việt Nam.
Tuy nhiên, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do lâu nay trà Việt
Nam phó thác gần như tuyệt đối vào thị trường Đài Loan và Trung Quốc. Điều này
chẳng khác nào “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng,
khoảng 95% sản lượng trà ô long của Lâm Đồng được xuất khẩu sang Đài Loan.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhìn nhận: “Các doanh
nghiệp chưa linh hoạt tìm kiếm thị trường, chỉ dựa vào Đài Loan nên khi thị trường
này có vấn đề thì bị ảnh hưởng ngay. Không chỉ vậy, khi có thị trường mới, nhiều
doanh nghiệp lại tranh bán với nhau làm cho giá trị của trà giảm xuống”.
Khẩn cấp giải cứu ngành trà
Trước tình trạng bi đát của cây trà, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có
công văn đề nghị Hiệp hội Chè Việt Nam vào cuộc “giải cứu” ngành trà. Đồng thời
ngày 3-11 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp
tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm này.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh
Lâm Đồng, cho biết thống kê chưa đầy đủ, đến giữa tháng 10-2015, sản phẩm trà
xanh, trà đen và trà ô long tồn đọng trong kho tại các doanh nghiệp không xuất
khẩu được 4.938 tấn. Hiện đã có chín doanh nghiệp sản xuất trà tạm ngưng hoạt động;
nhiều công ty khác hoạt động cầm chừng.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, gợi ý: “Cần hình
thành các liên minh sản xuất trà bền vững, đồng thời định hướng sản xuất các
nhóm sản phẩm theo thị trường, mở thêm thị trường mới”.
Nhiều ý khác cho rằng chỉ có liên kết mới đủ sức cạnh tranh, mở rộng
xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Đài Loan và Trung Quốc. “Chúng ta phải
liên kết lại với nhau để có diện tích lớn, tạo vùng nguyên liệu sạch để sản xuất,
kinh doanh theo chuỗi an toàn thực phẩm”, ông Phạm Đức Nguyên, Giám đốc doanh
nghiệp tư nhân Phương Nam, tha thiết kêu gọi.
Thêm nữa, các công ty phải chủ động khai thác thị trường trong nước,
chế biến trà ô long phù hợp với “gu” người Việt với giá cả hợp lý. Bởi giá trà
bán trong nước hiện còn cao, trong đó loại cao cấp lên tới 1-3 triệu đồng/kg. Với
mức giá này nhiều người Việt không “với” tới.
Không sử dụng fipronil trên cây trà
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho
biết, Sở đã cập nhật danh mục thuốc bảo vệ thực vật đăng ký sử dụng trên trà, bổ
sung và thực hiện mô hình khảo nghiệm các chủng loại thuốc bảo vệ thực vật có
tiềm năng tốt nhằm thay thế thuốc fipronil để khuyến cáo cho nông dân sử dụng.
Đồng thời, Sở đang tổ chức và triển khai cho nông dân cam kết không sử dụng thuốc
bảo vệ thực vật có hoạt chất fipronil trên cây trà.
Lâm Đồng hiện có vùng nguyên liệu trà lớn nhất nước với diện tích
trên 22.000 ha, sản lượng trà búp tươi năm 2014 đạt 230.000 tấn. Trong đó, diện
tích trà chất lượng cao gần 6.000 ha, sản lượng trung bình đạt 18 tấn/ha.
Theo baocongthuong.com.vn (Duc Luu)