Nông, thủy sản tận dụng FTA Việt Nam-EU: An toàn vệ sinh thực phẩm mang tính quyết định
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Alexander Kliegl - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc - DKSH Technology Việt Nam cho rằng, muốn tận dụng cơ hội từ Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU (FTA Việt Nam - EU) để tăng xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản vào EU các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo các cam kết trong FTA Việt Nam - EU thì ngay khi hiệp
định này có hiệu lực, 28 nước thành viên EU sẽ xóa bỏ 65% dòng thuế nhập khẩu
cho hàng hóa Việt Nam. Nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giầy
dép, thủy sản (cá tra, tôm nước ấm), cà phê, gạo, tỏi, đường… được cho là sẽ có
nhiều lợi thế tiếp tục chiếm lĩnh thị phần thị trường EU.
Tuy nhiên, theo ông Alexander Kliegl, mặc dù Việt Nam được xếp thứ
hạng cao đối với xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản, thực phẩm ra thế
giới (hạt tiêu đen, hạt điều, cà phê, chè, thủy hải sản, gạo…), nhưng chủ yếu
là ở tiềm năng và khối lượng. Phần lớn sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất
khẩu vẫn ở dạng đơn giản, chưa được tinh chế sâu nên vẫn bị EU nhìn nhận kém về
chất lượng, giá trị gia tăng thấp, dù có khả năng cạnh tranh về giá cả.
Thuế nhập khẩu vào EU giảm là một lợi thế lớn đối với hàng nông,
thủy sản… của Việt Nam, nhưng đòi hỏi của thị trường EU về chất lượng sản phẩm,
đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm lại rất khắt khe. EU vẫn vẫn thường xuyên
cảnh báo các nhà xuất khẩu Việt Nam sử dụng không đúng cách hoặc quá mức cho
phép dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất bị cấm, các
chất phụ gia (saccharin, sodium cyclamate, chất son tạo màu, sulfur), thuốc trừ
sâu, kim loại nặng... tồn tại trong sản phẩm nông sản, thực phẩm, thủy hải sản.
Chỉ cần một nhà sản xuất có lô hàng không đạt tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an
toàn thực phẩm xuất vào EU bị chặn có thể gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của
tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu khác.
Được biết, Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thường
khuyến nghị các nhà sản xuất khẩu thủy sản Việt Nam nên hạn chế dư lượng
kháng sinh; các bộ, ngành liên quan cũng khuyên các nhà xuất khẩu Việt Nam nên
đầu tư cho việc đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm tại các thị trường
xuất khẩu, trong đó có EU.
Một trong những lý do khiến việc thực thi các quy định pháp luật vệ
sinh an toàn thực phẩm chưa nghiêm là bởi chế tài xử lý vi phạm mức phạt còn nhẹ
so với lợi ích thu được nên doanh nghiệp nhiều khi biết vẫn vi phạm.
Để hàng nông, thủy hải sản Việt Nam có thể tận dụng hiệu quả cơ hội
giảm thuế từ FTA với EU đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, theo ông
Alexander Kliegl, ngoài ý thức của các doanh nghiệp trong việc đảm bảo các tiêu
chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, Chính phủ cần thành lập cơ quan quản lý an
toàn vệ sinh thực phẩm tập trung dưới sự điều hành của một bộ nhằm nâng cao hiệu
quả, trách nhiệm; kiến tạo một hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm hài
hòa giữa trung ương và địa phương; thiết lập các quy định về vệ sinh an toàn thực
phẩm rõ ràng, đồng nhất, thực thi đồng bộ ở phạm vi toàn quốc theo các tiêu chuẩn
toàn cầu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm
xuyên biên giới; phát triển và ứng dụng các thực tiễn quốc tế tốt trong sản xuất
các sản phẩm nông thủy sản… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Theo baocongthuong.com.vn (Duc Luu)