Rượu bia đứng đầu nhóm ngành vi phạm về quy định đo lường
Rượu bia là mặt hàng đứng đầu trong những nhóm ngành vi phạm quy định về đo lường trong cuộc thanh tra chuyên đề về hàng hóa đóng gói sẵn do Bộ KHCN triển khai.
Rượu
bia là mặt hàng có tỷ lệ vi phạm về đo lường cao nhất (ảnh: internet)
Bộ KHCN vừa công bố kết quả Thanh tra chuyên đề năm 2015
về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu trí
tuệ đối với hàng đóng gói sẵn.
Theo đó, tính đến ngày 10/11, đã có 2867 cơ sở tại
62/63 tỉnh thành trong cả nước được thanh tra. Các cơ sở này thuộc nhiều lĩnh vực
như sản xuất, kinh doanh bánh, mứt, kẹo, đường, phân bón, khí đốt hóa lỏng, thức
ăn chăn nuôi, rượu bia, nước giải khát...
Kết quả, đã có 556 cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính
(chiếm tỷ lệ 19,5% số cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền phạt xấp xỉ 1,7 tỷ
đồng.
Ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính bằng tiền, cơ quan
thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, đưa biện pháp khắc phục hậu quả
đối với các cơ sở vi phạm như: buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về ghi nhãn trả lại
nhà sản xuất; buộc tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng; buộc thu hồi và tái chế đối
với hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; buộc định lượng lại
hàng hóa trước lúc đưa vào lưu thông; buộc kiểm định phương tiện đo trước khi
đưa vào sử dụng…
Đặc biệt, trong tổng số 556 cơ sở vi phạm với 724 lượt
hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý, có 364 lượt hành vi vi phạm quy định về
đo lường (chiếm 51 %). Trong đó: Hành vi sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn
mà lượng của hàng đóng gói sẵn đó có giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung
bình cho phép là 253 lượt, chiếm 35% số lượt hành vi vi phạm; Hành vi sản
xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn có số đơn vị HĐGS không phù hợp vượt quá giá
trị cho phép là 69 lượt, chiếm 10% số lượt hành vi vi phạm.
Các nhóm hàng hóa có tỷ lệ vi phạm cao là: Rượu, bia nước
giải khát, nước uống: (25%); Nông sản, sản phẩm từ nông sản: (24%); Phân bón
(23%); Sơn, bột bả tường: (21%); Bánh, mứt, kẹo,đường (20 %); Xi măng (20%);
Khí đốt hóa lỏng LPG: (20%); Thuốc bảo vệ thực vật: (19%);…
Hàng đóng gói sẵn trong thực tế rất đa dạng, phục vụ nhu
cầu thiết yếu hàng ngày và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, từ
các loại bánh, kẹo, đường sữa đến thủy sản, bia rượu, nước giải khát... Tuy
nhiên, đây là những loại hàng hóa định lượng, đóng gói và ghi định lượng trên
nhãn hàng hóa mà không có sự chứng kiến của bên mua. Do đó, có rất nhiều vấn đề
bất cập nảy sinh, đặc biệt là các hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo
lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp của các tổ
chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.